MÔ HÌNH NUÔI BA BA THỊT - 15:09 20/01/2016

Chia sẻ facebook

Ba ba thuộc lớp bò sát, họ Rùa. Ba ba có nhiều loài, nhưng ở nước ta thường gặp 4 loài: hoa, gai, cua đinh và lẹp suối. Hiện nay nuôi ba ba đang được xem là hướng làm giàu của nhiều bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Sau đây là quy trình hướng dẫn kỹ thuật nuôi ba ba thịt:

            Bước 1: Có thể nuôi trong bể xây hoặc ao đất

Nuôi trong ao: Diện tích: 100 - 600m2. Độ sâu: 1 - 1,5m. Độ trong: 30cm

Nước trong ao phải sạch, cấp thoát nước chủ động, yên tĩnh, gần nhà để dễ bảo vệ. Xung quanh ao, hay một phần của ao nên để một phần đất làm vườn trồng cây bóng mát, cây ăn quả có giá trị. Vườn là điều kiện sinh thái rất thích hợp với đời sống của ba ba nuôi trong ao. Đáy ao phải có lớp bùn dày 10 - 20cm.

Quanh ao, vườn xây tường cao 0,7- 0,8m, đỉnh tường có gờ ngang rộng 10cm (ở phía lòng ao) để ba ba khỏi bò đi mất. Khoảng cách giữa ao và tường bảo vệ tốt nhất để rộng 1 m và trồng cây mướp, bầu bí, cây ăn quả làm bóng mát.Bờ ao dốc thoải, hay bắc cầu, tạo 1-2 lối cho ba ba dễ lên xuống phơi mình tắm nắng.

Nuôi trong bể: Diện tích: trên 10m2. Nước sâu: 0,6 - 1m. Có cống tràn (miệng cống ngăn bằng lưới sắt) để giữ mức nước cố định ở mức cao nhất, có cống tháo ở đáy thuận lợi để bớt công bơm, tát nước. Quanh bể nên để một khoảng đất trồng cây bóng mát, bắc cầu cho ba ba lên xuống, thềm để ngập nước và thả kín bèo tây. Trường hợp nuôi nhiều ba ba cỡ khác nhau phải làm nhiều ao, hay ngăn ao phân loại lớn bé để nuôi riêng.

Bước 2: Chọn lựa chất lượng con giống

 Ba ba giống phải béo khỏe, da bóng, cơ thể hoàn chỉnh, không bị xây xát, không bệnh tật. Nếu mua giống từ nơi khác về nuôi, phải tìm hiểu kỹ nguồn gốc con giống, tránh mua phải loại giống còi cọc, giống đã nhiễm bệnh, giống đã bị ốm do quá trình đánh bắt, vận chuyển không đảm bảo kỹ thuật, nên thả giống cùng cỡ trong một ao nuôi.

Bước 3: Kỹ thuật nuôi

Thả giống: Trước khi thả giống phải tẩy dọn ao, bể cho nước vào và thử nước ao như đối với ao nuôi cá thịt. Cỡ giống nuôi tốt nhất là cỡ trên 100g/con. Giống thả nên đồng cỡ, và thả vào tháng 2-3 dương lịch. Thời gian nuôi trong năm tháng, từ tháng  4-11 dương lịch.

Mật độ nuôi: Cỡ giống 50 - 100g thả 10 -15 con/m2. Cỡ giống 200g thả 4-7 con/m2. Thả mật độ dày khi ao (bể) có nước lưu thông tốt, dồi dào thức ăn, trường vốn.

Bước 4: Chăm sóc và quản lý

Thức ăn: Bể, máng đựng thức ăn cho ba ba phải đặt ổn định. Bệ được xây bằng gạch lát xi măng, trong ao nên có 2 - 4 bệ máng đựng thức ăn (máng được đóng bằng gỗ có thành cao 5-10cm).

-          Thức ăn chủ yếu là động vật (sống hay đã chết) như: giun, ốc, hến, chua, cá, mỡ trâu bò, ruột, sà lách... phế phẩm các lò mổ...

-          Thức ăn phải vừa cỡ miệng ba ba, cho ăn đều. Có thể chủ động gây thức ăn bằng cách nuôi cá mè, rô phi, ốc vặn v.v... Chế biến thức ăn tổng hợp từ chất bột, cám bột cá,bột đậu tương sao cho đạm tổng số 40 - 43%. Chú ý không dùng bột cá mặn hay cá tép đã ướp mặn.

Cho ăn: Lượng thức ăn hàng ngày khoảng 5 - 8% trọng lượng ba ba có trong ao. Trước khi cho ăn phải dọn sạch sàn bệ, máng cho ăn. Điều chỉnh thức ăn theo thời tiết để tránh bị lãng phí ảnh hưởng đến chất nước. Ba ba ăn khỏe, hoạt động mạnh khi nhiệt độ nước từ 22 - 32oC, trên 35oC, ít ăn hoặc ngừng ăn, dưới 12oC.

Chăm sóc: Làm vệ sinh nơi cho ba ba ăn, vớt bỏ thức ăn thừa hoặc rác bẩn.

- Phát hiện và xử lý kịp các chỗ ba ba có thể đi mất

- Thay nước đảm bảo nước trong ao luôn sạch sẽ, cần thay nước hàng ngày hoặc 3-4 ngày thay toàn bộ 1 lần. Khi thay nước cần nhẹ nhàng, tránh làm ba ba sợ hãi. Nếu dùng máy hút vẩn cận hàng ngày cho ao nuôi ba ba, có thể giảm bớt được số lần thay nước.

Chống nắng và chống rét: Những ngày nhiệt độ lên cao trên 33oC cần tìm các biện pháp hạ nhiệt độ nước ao nuôi. Những ngày nhiệt độ lạnh 10-12oC, cần có các biện pháp che chắn chống lạnh và tăng nhiệt độ nước ao (nếu có điều kiện).

Bước 5: Cách phòng và trị một số bệnh thường gặp ở ba ba

 Phòng bệnh: Loại bỏ những con bệnh, bị thương, xây xát…

- Trước khi thả ba ba vào bể nuôi, cần tắm cho ba ba bằng nước muối ăn 3-5% trong thời gian 30-60 phút để phòng bệnh ký sinh đơn bào.

- Trước khi thả giống phải tẩy dọn ao, bể sạch sẽ. Cuối vụ nuôi hoặc sau khi nuôi một thời gian thấy lớp cát bùn dưới đáy bị thối bẩn nhiều, cần làm sạch lớp bùn thối đáy ao, rắc vôi sống 10-15kg/100m2 đáy ao để khử côn trùng.

- Quá trình nuôi cần định kỳ thay nước, không để nước bị thối bẩn. Nếu điều kiện công trình nuôi có nhược điểm khó áp dụng thay nước thường xuyên và triệt để, nên bổ sung biện pháp định kỳ khử trùng nước bằng vôi, với lượng 1,5-2kg vôi bột/100m2 nước, 10-15 ngày 1 lần, ao nuôi thưa ít bẩn có thể 30 ngày 1 lần.

- Khi thấy ba ba bị bệnh phải nhốt riêng con bị bệnh để chữa trị kịp thời, đồng thời tăng cường xử lý vệ sinh môi trường ao nuôi. Các bệnh thường gặp và gây hại nhất là bệnh nấm thuỳ mi, bệnh ký sinh đơn bào và bệnh viêm loét do nhiễm khuẩn.

 Trị bệnh

* Bệnh nấm thuỳ mi : Trên đầu, da, cổ, chân ba ba xuất hiện những vùng trắng xám, trên đó có các sợi nấm, sau vài ngày sợi nấm phát triển thành búi trắng như bông.

+ Trị bệnh : Tắm cho ba ba bằng sun phát đồng với nồng độ 8g/m3 hoặc thuốc tím nồng độ 20g/m3. Mỗi ngày tắm 1 lần/30 phút, làm liên tục trong 1 tuần.

* Bệnh viêm loét do vi khuẩn (bã đậu): Da ba ba không bình thường, mắt xuất huyết màu đỏ, móng chân cụt, cơ thể gầy yếu. Xuất hiện các vết loét với hình dạng và kích cỡ nhất định, rất dễ nhìn thấy ở đầu, cổ, xung quanh phần mềm của mai, ở trên mai phần bụng của ba ba. Miệng loét thường xuất huyết. Một số vết loét có thể đóng kín, nếu khêu vết loét ra có thể nhìn thấy những cục trắng như bã đậu.

+ Trị bệnh: Tắm cho ba ba bằng thuốc Oxytetracyline, Furazolidone với lượng 2-50mg/l trong 6-12 giờ một ngày, thực hiện liên tục 3-5 ngày liền. Hoặc dùng kháng sinh với mỡ lợn bôi trực tiếp trên các vết loét, để ba ba ở trên cạn từ 30-60 phút, sau đó mới thả trở lại nước. Một tuần thực hiện bôi thuốc 3 lần, cách một ngày bôi một lần. Nếu bệnh nặng thì phải cậy vảy và lấy hết kén ra sau đó lau sạch vết thương, rắc thuốc kháng sinh đã tán thành bột và bôi thuốc ra bên ngoài. Phải nhốt ba ba trên cạn có thể từ 2-3 ngày liên tục nhưng phải giữ độ ẩm.

Bước 6: Thu hoạch và vận chuyển

Thu tỉa: Có thể xuống ao mò bắt, keó lưới, cất vó hay chặn lối từ vườn xuống ao trực tiếp bắt.

Thu toàn bộ: Tháo cạn, tát ao để bắt. Mùa thu hoạch chủ yếu vào tháng 11- 12 và tháng 1 dương lịch, mùa này nhiệt độ thấp, tỉ lệ sống cao.

Vận chuyển ba ba: Vận chuyển gần có thể chứa chúng vào bao tải thưa, dùng xe đạp, xe máy. Khi đi xa cần chứa vào sọt hay thùng gỗ thoáng, lót bèo giữ ẩm, xếp một lượt bèo một lớp ba ba tốt nhất là cho vào sọt, thùng chia làm nhiều ô, dùng ô ô hay máy bay, tàu hỏa. Quá trình vận chuyển thao tác cần nhẹ nhàng, tránh xây sát.

 

 

 

                    Ông Đỗ Đình Hội trở thành triệu phú từ nuôi ba ba

Ông Đỗ Đình Hội là một trong những người đi tiên phong và thành công với mô hình nuôi ba ba ở thôn Nam Bằng 2 (xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Sau gần 10 năm tích lũy, hiện nay gia đình ông đã xây dựng được một trang trại sản xuất giống và nuôi ba ba có quy mô lớn (trên 500 con ba ba trơn từ 1 tới 1,5 kg, khoảng12 cặp ba ba gai, mỗi năm cho sinh sản gần 200 con), đạt lợi nhuận gần 200 triệu đồng/năm. Diện tích trang trại của gia đình ôngHội không ngừng được mở rộng, đồng thời ông còn đẩy mạnh sản xuất thương phẩm, cung cấp cho thị trường các Khách sạn ở các tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh. Ông cho biết, giá bán hiện nay trên thị trường đối với ba ba trơn loại 1 (Từ 1,4 kg/ con trở lên) có giá từ 450 – 500.000 đồng/kg, loại 2 từ 1,2 – 1,4 kg/con có giá từ 300 – 400.000 đồng/kg. Ngoài ra, ông còn nuôi các loại cá thương phẩm kết hợp mỗi năm cho thu hoạch hơn 20 triệu đồng, trừ tất cả chi phí mỗi năm trang trại của ông cho lãi hơn 200 triệu đồng.

(Tài liệu này chỉ mang tính chất giới thiệu, khi triển khai thực hiện thực tế, các tổ chức, cá nhân nên tham khảo thêm ý kiến chuyên gia và tài liệu khác)