Thanh long ruột đỏ - Chiến lược trong ngành trồng trọt - 15:02 10/12/2014

Chia sẻ facebook

Thanh long ruột đỏ là cây có nguồn gốc nhiệt đới, sinh trưởng và phát triển tốt ở nơi có ánh sáng đầy đủ. Cây thanh long trồng được trên nhiều loại đất: đất cát, đất xám bạc màu, đất phèn, đất phù sa, đất đỏ bazan, đất thịt, thịt pha sét... Nhận thấy những điều kiện trên phù hợp với địa hình và khí hậu trong vùng, vì vậy mà những năm gần đây một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã bắt tay vào việc canh tác loại cây này.

 

   

   Sau đây là quy trình hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long ruột đỏ:

Bước 1: Chuẩn bị đất:

- Đất cao: Công việc chuẩn bị đất tương đối đơn giản: cắm cọc, đào lỗ xuống trụ. Sau khi chọn xong trụ thì đào âm quanh trụ sâu khoảng 10 - 20cm, đường kính 1,5m, bón lót phân chuồng rồi phủ lớp đất mặn lên sau đó đặt hom.

- Đất thấp: Tạo mặt liếp, chiều cao mặt liếp so với mặt nước trong mương độ 40cm, để đề phòng trong mùa mưa nước có thể dâng cao ngang mặt liếp nhất là ở những nơi thấp thì cần phải làm thêm mực trước khi xuống giống. Hễ bị ngập nước một vài tuần nhánh thanh long sẽ vàng, khi nước rút phải bón phân để cây phục hồi lại.

Đất cần được cày bừa kỹ trong mùa nắng, phơi đất, trừ cỏ dại. Cày bừa, làm cỏ không kỹ sau này chi phí làm cỏ sẽ rất cao.

Bước 2: Mật độ, khoảng cách và bố trí cây trồng:

Nên trồng thanh long ở mật độ từ 700 – 1.000 trụ/ha ứng với khoảng cách khoảng  3mx 3m. Thanh long là cây cần nhiều ánh sáng, trồng dày và thiếu ánh sáng cây sẽ ra quả nhỏ.

Bước 3: Chuẩn bị cây trụ:

Cây thanh long cần bám vào cây trụ nên việc chọn lựa và chuẩn bị trụ là công việc người trồng vườn thanh long cần quan tâm hàng đầu. Hiện nay, xu hướng của nông dân là dùng trụ thấp khoảng 1,6m đến 1,8, đường kính sử dụng là 15cm. Việc trồng cây trụ cần tiến hành sớm, có thể trước thời vụ trồng một tháng. Sau khi lấp đất cây trụ phải thẳng đứng, không lệch ngọn. Trên đầu mỗi trụ nên đóng một cái khung bằng gỗ, một thanh ngang hay một vòng tròn, cho thanh long dễ bám để khi tới đầu trụ cành thanh long sẽ rũ đầu xuống.

Bước 4: Thời vụ trồng:

         Giống thanh long đỏ có thể trồng quanh năm, tốt nhất nên trồng vào mùa xuân và mùa thu.

Bước 5: Bón lót và đặt hom:

   Trên đất cao, trước khi đặt hom người ta làm âm xuống một khoảng quanh trụ có cạnh độ1,0-1,5m, sâu 20-30cm, rồi bón lót khoảng 10kg phân chuồng và 0,5kg Super lân.

Trên đất thấp phải lên mô trước khi trồng, xới đất và rải thân quanh mô.

Đặt từ 3-4 hom quanh cây chống (trụ), cần lưu ý:

+ Đặt hom cạn 0-5cm để tránh thối gốc do đất ẩm.

+ Đặt áp phần phẳng của hom vào mé trụ để sau này hom ra rễ và bám nhanh vào trụ.

         Cột hom vào trụ để gió không làm lung lay lúc đầu, vì dễ trên không chưa phát triển để bám vào cây trụ. Sau khi đặt hom ở các vùng đất cao, hễ đất khô và hết mưa thì cần tủ gốc để giữ ẩm.

Bước 6: Bón phân thúc hàng năm:

Qua điều tra, thu thập số liệu ở các vườn thanh long có năng suất cao cho thấy có hai kiểu bón phân điển hình:

        Bón theo đợt: 3 lần/năm.

- Bón rải ra nhiều lần trong năm.

- Riêng phân chuồng chỉ cần bón một lần sau tỉa cành (tháng 11), đây là loại phân quan trọng đối với các loại đất thiếu chất hữu cơ, giữ ẩm kém. Ở năm đầu, phân hóa học Đạm, Lân và phân bón lá Chelax-Lay-O được hòa vào nước và tưới hoặc phun lên cả thân cành để thúc cành mau leo lên đầu trụ. Các năm sau rải phân quanh gốc rồi tưới nhẹ cho phân hòa tan và ngấm xuống đất.

Bước 7: Tưới nước:

Mặc dù thanh long chịu hạn hán giỏi, nhưng hạn hán kéo dài sẽ làm cây mất sức và làm giảm năng suất đáng kể. Biểu hiện của sự thiếu nước là:

- Cành mới hình thành ít và phát triển chậm.

- Cành bị teo lại và chuyển sang màu vàng.

- Quả nhỏ.

            Tùy theo độ ẩm của đất để mà nhịp độ tưới thay đổi từ 3 – 7 ngày/lần. Trồng thanh long có xử lý ra hoa bằng đèn đều phải chủ động tưới nước vào buổi sáng của mùa nắng theo nhịp độ nêu trên.

Bước 8: Tỉa cành:

 Tỉa cành sẽ làm thông thoáng cây và giúp cây tập trung tập trung dinh dưỡng nuôi cành mới. Sau tỉa, cành non đâm ra mạnh hơn. Có 3 loại cắt tỉa:

- Tỉa đầu: Thực hiện sau thu hoạch hoặc trước đợt thu quả cuối cùng. Cắt cùng một lúc tất cả các cành già, các cành khuyết tật nằm khuất bên trong tán. Số cành giữ lại trên đầu trụ độ 50 cành. Dùng liềm hoặc dao chặt ¾ chiều dài của toàn bộ các cành già phía dưới, các tược non sẽ nảy ra từ phần gốc cành được giữ lại.

- Tỉa lựa: Lựa các cành cần tỉa rồi dùng liềm cán dài giựt đứt khỏi caay.

- Tỉa sửa cành: Yêu cầu:

+ Chỉ giữ lại 1-3 cành con/ cành mẹ.

+ Các cành con trên cành mẹ xa nhau, phân bố đều để tránh tán lệch.

+ Giữ lại các cành mập, khỏe.

+ Tỉa bỏ những cành mọc lòa xòa ra lối đi.

Bước 9: Tủ gốc:

Vừa trừ cỏ vừa giữ ẩm, nhất là ở các vùng có mùa khô kéo dài và thiếu nước tưới. Dùng   rơm, cỏ khô, xơ dừa… để tủ. Có thể tủ quanh gốc hoặc tủ toàn bộ liếp.

Bước 10: Làm cỏ:

             Trước mỗi đợt bón phân trên đất phèn nơi đất ẩm thường xuyên, có rất nhiều loài cỏ khó trị như cỏ tranh, cỏ ống, cỏ paspalum. Vì vậy, muốn hạn chế cỏ cần áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp như: cày bừa kĩ vào mùa nắng trước khi trồng, xen canh, dùng thuốc trừ cỏ kết hợp với làm cỏ thủ công sớm…

Bước 11: Phòng trừ sâu bệnh:

           Thời kỳ ra hoa, đậu quả diễn ra từ tháng 5 đến tháng 11, có nhiều thời điềm thời tiết diễn ra bất thường như mưa nhiều, nắng mưa thất thường, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão, ... vì vậy việc phòng trừ sâu bệnh ở giống thanh long ruột đỏ cần  được quan tâm thường xuyên và kịp thời để không  làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng quả thanh long. Cần lưu ý một số đối tượng gây hại chính trong thời kỳ ra hoa, đậu quả như: sâu khoang, sâu róm, bọ xít, phun phòng trừ bằng một số lại thuốc đặc trị có bán trên thị trường; bắt ốc sên gây hại, là biện pháp đơn giản, hiệu quả mà không tốn công lao động.

          Điển hình trong việc trồng cây thanh long ruột đỏ là gia đình anh Đỗ Lương Dũng ở xã Quảng Trung (thị xã Bỉm Sơn – Thanh Hóa). Sau 10 năm vất vả làm ăn, trồng đủ loại cây mà kinh tế gia đình vẫn khó khăn anh được Hội làm vườn và Trang trại (HLV&TT) tỉnh giới thiệu về giống thanh long ruột đỏ (TLRĐ)  Long định 1 – H14 của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam. Tuy mới bắt đầu cho thu hoạch nhưng mỗi lứa anh đã thu được trên 3,3 tấn thanh long, trừ chi phí, hàng năm có hơn 500 triệu đồng. Anh tâm sự: Trồng cây đỏ (TLRĐ)  Long định 1 – H14 có năng suất cao, ít sâu bệnh, đầu tư  một lần ban đầu cho thu hoạch từ 15-20 năm mới thay thế. Đến nay, vườn TLRĐ của anh có 500 trụ đang cho thu hoạch lứa thứ 3 và 1.500 trụ đang cho quả bói. Trong năm 2014, ước tính gia đình anh thu được hơn 20 tấn quả với nguồn thu khoảng 700 triệu đồng, giải quyết được việc làm thường xuyên cho rất nhiều nhân công lao động.

Phòng TT(St)