Mô hình chăn nuôi vịt cổ lủng - 15:06 10/12/2014

Chia sẻ facebook

Vịt Cổ Lũng là giống vịt quý hiếm, thích hợp với vùng khí hậu ở các xã Cổ Lũng và Lũng Niêm (Bá Thước). Tuy nhiên, trong những năm gần đây Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học Công nghệ - Trường Đại học Hồng Đức đã thành công trong việc nuôi giống vịt này tại Trung tâm, trong quá trình nuôi Trung tâm có cải tiến quy trình để đảm bảo giống vịt Cổ Lũng nhanh lớn, thịt có chất lượng thơm ngon, ít dịch bệnh. Ngoài việc chăm sóc, chế độ ăn còn có một khác biệt cơ bản trong quy trình nuôi là: trước khi vịt xuất chuồng khoảng một tháng Trung tâm đã cho vịt sinh sống chủ yếu ở trên mặt đất để tạo cho thịt vịt săn chắc, thơm ngon, nhiều nạc.

 

             

            Quy trình chăn nuôi giống vịt Cổ Lũng của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học Công nghệ - Trường Đại học Hồng Đức gồm các giai đoạn sau:

Giai đoạn 1: Kỹ thuật nuôi vịt cổ lũng

Bước 1: Chuẩn bị chuồng nuôi

- Trước khi nhận vịt về nuôi phải dọn sạch chuồng, nền chuồng, tường lưới, cần quét vôi nền chuồng và tường cao 0,8 – 1m.

- Sau khi vôi khô, cho mùn cưa hoặc trấu khô (đảm bảo không mốc), rơm rạ băm nhỏ, khô sạch vào chuồng làm chất độn chuồng, khử trùng bằng xông Formalin, thuốc tím.

- Rửa máng ăn, máng uống sạch sẽ, sau đó ngâm vào dung dịch formalin 0,3 – 0,4%, và để khô trước khi sử dụng.

- Chất độn chuồng dày tối thiểu là 10 cm.

- Chuồng nuôi phải thoáng, sáng, không có gió lùa.

- Trước khi đưa vịt con vào nuôi phải sưởi ấm chuồng nuôi.

Bước 2: Nhiệt độ và độ ẩm chuồng nuôi

- Nhiệt độ chuồng nuôi được đo ở độ cao phía trên đầu vịt. Trung bình cứ 250W cho 75 vịt con và 140 vịt con cho 1m2 chụp sưởi.

- Ẩm độ thích hợp nhất cho vịt con là 60 - 70. Ẩm độ không khí và mật độ vịt con/m2 tỷ lệ thuận, cho nên ẩm độ cao cần hạ thấp mật độ vịt con/m2 nền chuồng. Khi độ ẩm cao cần đảo và cho thêm chất độn khô hàng ngày để giữ cho vịt được ấm chân và sạch lông.

Bước 3:  Mật độ và độ lớn của đàn

Hai yếu tố này tác động trực tiếp đến khả năng sinh trưởng của đàn vịt, chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, cơ cấu đàn nhỏ thì có thể tăng mật độ và ngược lại.

Bước 4: Chế độ chiếu sáng

- Trong tuần thứ 1 đến tuần thứ 2 chiếu sáng 24/24 h, sau đó là 18/24 h.

- Cường độ ánh sáng cho vịt trong giai đoạn này là:

+ 1 - 10 ngày tuổi 3W/m2

+ 11 - 56 ngày tuổi, 20 Lux tương đương 5W/m2 về ban đêm, ban ngày sử dụng ánh sáng tự nhiên. Ở những nơi không có điện, cần dùng đèn dầu thắp sáng, đảm bảo đủ ánh sáng để vịt đi lại ăn, uống một cách bình thường, chống xô đàn và đè nhau gây tỷ lệ chết cao.

Bước 5: Thông thoáng

Lượng cung cấp không khí phụ thuộc vào độ ẩm và quyết định bởi chất độn chuồng. Lượng không khí trao đổi phải đảm bảo sạch cho những khí thải của phân được đưa ra ngoài và nhiệt độ cần cho vịt ở mức cho phép. Trong giai đoạn vịt con 1 - 14 ngày tuổi, tốc độ gió không được quá 0,3 m/s.

Bước 6: Cung cấp nước uống

Nước uống cho vịt phải đảm bảo trong sạch và thường xuyên cho vịt uống cả ngày lẫn đêm, ở tuần tuổi thứ nhất không cho uống nước lạnh dưới 10 - 120C, tuần tuổi thứ 2 và 3 không lạnh quá 6 – 80C.

Bước 7: Thức ăn và nuôi dưỡng

Không được sử dụng thức ăn mốc và ôi thối để tránh cho vịt nhiễm các độc tố, đặc biệt là độc tố Aflatoxin.

Không nên sử dụng khô dầu lạc trong khẩu phần cho vịt, riêng ngô nên sử dụng ngô hạt không quá 20% trong khẩu phần.

  Trước khi cho vịt ăn phải dọn máng, quét bỏ những thức ăn thừa, hôi, thối và mốc, cho vịt ăn nhiều lần trong ngày để tránh rơi vãi và ôi chua, tách những con nhỏ cho ăn riêng để vịt được đều.     

Giai đoạn 2. Nuôi vịt hậu bị

Giai đoạn hậu bị là giai đoạn từ 56 ngày tuổi đến khi bắt đầu đẻ, trong suốt thời gian này vịt phát triển dưới điều kiện tự nhiên. Vịt nuôi thức ăn hạn chế, cả số lượng và chất lượng làm sao đạt trọng lượng ở mức yêu cầu giống để đảm bảo có năng suất đẻ trứng cao trong giai đoạn sinh sản. Vịt đực và mái được nuôi chung một đàn.

Bước 1: Điều kiện khí hậu

Vịt đòi hỏi điều kiện khí hậu không ngặt ngèo. Song cần lưu ý trong thời gian thay lông, vịt mẫn cảm với nhiệt độ thấp và mưa. Do đó chuồng nuôi trong thời gian này phải sạch và khô ráo, mùa hè phải có bóng râm cho vịt tránh nắng.

Bước 2: Bố trí sân chơi

Tốt nhất sân chơi cho vịt hậu bị là bãi cát, bãi cỏ. Trước khi sử dụng nên dọn sạch sẽ và tiêu độc. Sân chơi của vịt có thể là sân gạch hoặc bê tông. Song sân phải nhẵn để tránh những xây xát ở gan bàn chân, tạo cho nấm xâm nhập vào cơ thể, sân chơi phải được quét dọn thường xuyên.

Bước 3: Cung cấp nước

Vịt hậu bị luôn luôn cần nước để uống và bơi làm sạch bộ lông, cần cung cấp đủ nước sạch đủ tiêu chuẩn cho vịt bơi lội và uống nước.

Bước 4: Thức ăn

Giai đoạn hậu bị của vịt Cổ lũng là từ 3 - 21 tuần tuổi. Nhu cầu dinh dưỡng trong 1 kg thức ăn cần đạt :

- Protein thô : 13%

- Năng lượng trao đổi : 2. 400 kcal

Lượng thức ăn trong giai đoạn hậu bị cho 1 con trong ngày:

+ 9 - 13 tuần là 74 gam

+ 14 - 17 tuần là 80 gam

+ 18 tuần là 100 gam

+ 20 tuần là 110 gam

+ 21 tuần là 120 gam

Từ 20 - 21 tuần tuổi, vịt ăn theo khẩu phần vịt đẻ có 17% Protein thô và 2.800 Kcal năng lượng.

Nuôi chăn thả có thể sử dụng bột sắn, khoai lang thay thế trong giai đoạn 9-5 tuần tuổi
đó thay thế dần bằng thóc cho đến tuần thứ 19 ăn toàn thóc.

Bước 5 : Kiểm tra sức khoẻ đàn vịt

Hàng ngày phải kiểm tra sức khoẻ đàn vịt từ sáng sớm, có sự thay đổi nào về sức khoẻ của đàn vịt cần báo ngay cho thú y để xử lý.

Giai đoạn 3 : Chăn nuôi vịt đẻ

Bước 1:  Chuyển vịt vào chuồng nuôi vịt đẻ

Vịt hậu bị phải được chuyển vào chuồng nuôi vịt đẻ ít nhất là 2 tuần tuổi trước khi đẻ. Thông qua chọn lọc ngoại hình, chỉ đưa những con đạt tiêu chuẩn giống vào đàn sinh sản vịt đực và mái, đồng thời chuyển vào chuyển vào chuồng vịt đẻ. Tỷ lệ đực mái phụ thuộc vào điều kiện nuôi, phương thức nuôi. Nuôi gia đình tỷ lệ là 1đực : 8 cái, nuôi quần thể 1 đực: 9 - 10 cái.

Bước 2: Điều kiện khí hậu chuồng nuôi

Tạo điều kiện khí hậu thích hợp cho vịt đẻ. Nhiệt độ thích hợp nhất đối với vịt đẻ là 16 – 220c và độ ẩm là 60 - 80%. Chuồng phải luôn khô ráo, sạch sẽ và thoáng mát.

Bước 3: Ánh sáng và chế độ chiếu sáng

Trước khi vịt đẻ 5 tuần tuổi cần bảo đảm 10h chiếu sáng.

Trước khi vịt đẻ 4 tuần cần bảo đảm 12 h chiếu sáng.

Sau đó cứ mỗi tuần tăng lên 1h cho đến khi đạt mức chiếu sáng là 18h/ngày.
Cường độ chiếu sáng trong giai đoạn vịt đẻ là 5w/m2 diện tích chuồng.

Bước 4: Cung cấp nước :

Nếu vịt nuôi có mương bơi thì phải thường xuyên thay nước sạch. Nếu sân chơi không có mương bơi thì máng uống đặt dưới sân chơi có tấm chắn không cho vịt vào bơi trong máng uống. Hàng ngày phải thay nước uống 2 lần, đảm bảo đủ nước sạch cho vịt uống. Nếu nuôi chăn thả, hàng ngày vào buổi sáng, buổi trưa và chiều tối nên để cho vịt bơi ở những ao hồ có nước trong, sạch để vịt uống nước, giao phối và làm sạch bộ lông. Mùa hè cần che máng uống nước tránh để vịt uống nước nóng.

Nhu cầu nước uống phụ thuộc vào khả năng đẻ trứng, nhu cầu hàng ngày từ 600 - 750 ml/con/ngày.

Bước 5: Thu nhặt trứng

Trước khi vịt đẻ 2 tuần bố trí có ổ đẻ trong chuồng nuôi, chất độn ổ đẻ phải được thay thường xuyên hàng tuần, trứng thu nhặt vào buổi sáng sớm từ 6 - 7 giờ sáng. Sau khi nhặt trứng tiến hành chọn loại trứng. Trứng ấp phải được khử trùng ngay sau khi nhặt trứng bằng dung dịch khử trùng.

Bước 6: Kiểm tra sức khoẻ đàn vịt

Hàng ngày, sáng sớm phải đi kiểm tra tình hình đàn vịt.

Nếu có sự thay đổi khác thường phải báo cáo ngay cho bác sỹ thú y để can thiệp. Luôn luôn phải kiểm tra tỷ lệ đực mái trong đàn, chuồng và ổ đẻ phải luôn khô ráo và sạch sẽ.

Phòng bệnh:

- Phải thực hiện ngiêm túc đầy đủ luật lệ về công tác phòng trừ dịch bệnh. Phải có hàng rào bao quanh cơ sở chăn nuôi, trước cửa phòng nuôi phải có hố khử trùng bàng Formanlin hoặc vôi bột. Những người không có trách nhiệm với đàn vịt không được phép vào ra khu vực chăn nuôi. Công nhân chăn nuôi, cán bộ kỹ thuật phụ trách và bác sỹ thú y trực tiếp mới được vào chuồng nuôi. Người tham quan phải được phép hướng dẫn của bác sỹ thú y, khi vào tham quan phải có ủng và mặc quần áo bảo hộ thú y. Trong chuồng nuôi phải thực hiện tất cả vào nuôi và tất cả bán ra, trong chuồng nuôi chỉ nên có 2 đàn cách nhau 2 - 5 ngày tuổi.

- Vịt ốm và yếu cần loại ngay ra khỏi đàn, xác vịt chết cần phải đưa ngay ra khỏi khu vực chăn nuôi và xử lý tuỳ từng loại bệnh. Phân cần thu lại và đưa vào đúng nơi quy định.

- Tiêm phòng dịch tả phải làm nghiêm túc : sau 15 ngày tuổi, sau 45 ngày tuổi nên tiêm nhắc lại, sau đó cứ 6 tháng tiêm 1 lần. Từ 2 - 3 tháng nên dùng kháng sinh đề phòng các bệnh Salmonella, tụ huyết trùng và các bệnh khác tuỳ theo thời tiết và tình trạng sức khoẻ đàn vịt.

                                                     Lê Bá Tuấn

GĐ Trung tâm NCUD KH&CN - Trường Đại Học Hồng Đức