Khoa học và Công nghệ - Động lực cho phát triển và hội nhập - 16:12 07/11/2018

Chia sẻ facebook

Tính riêng trong 2 năm 2016 và 2017, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện gần 100 nhiệm vụ KH&CN mới cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó có 14 nhiệm vụ cấp quốc gia. Các nhiệm vụ KH&CN được triển khai thực hiện đã và đang giúp các đơn vị, địa phương tiếp cận và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiến bộ để chủ động sản xuất.


Ứng dụng KH&CN trong sản xuất thuốc tại Công ty CP Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa.  

Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân là một trong 4 khâu đột phá được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 quyết nghị. Theo đó, phát huy tiềm năng, lợi thế, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN), coi KH&CN là động lực quan trọng đối với sự phát triển và hội nhập.

Để KH&CN trở thành khâu đột phá cho sự phát triển, nhiệm vụ được tỉnh ta đặt ra là đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò của KH&CN, cùng với đó, quan tâm đổi mới, bổ sung cơ chế, chính sách phát triển KH&CN. Đồng thời, ban hành nhiều đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn trên tất cả các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành KH&CN. Đơn cử như kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về nâng cao năng lực nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KHKT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; Đề án “Phát triển KH&CN tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 – 2020”; Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020... Đặc biệt, ngày 7-12-2017, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 81/2017/NQ-HĐND về “Chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”. Đây được coi là tiền đề quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển, ứng dụng KH&CN, làm cho KH&CN thực sự trở thành động lực cho sự phát triển. Bên cạnh công tác tuyên truyền, ban hành chủ trương, chính sách, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ KH&CN phục vụ cho công tác quản lý, nghiên cứu khoa học.

Hiện nay, nguồn nhân lực KH&CN của tỉnh có trên 147,4 nghìn người. Trong đó, có 18 phó giáo sư, 184 tiến sĩ, trên 4,7 nghìn thạc sĩ, trên 68,5 nghìn cử nhân đại học và trên 74 nghìn cử nhân cao đẳng. Nhân lực KH&CN thuộc các tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh có trên 2,7 nghìn người, chiếm 1,8% tổng số nhân lực KH&CN của tỉnh; nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D) có 1,933 nghìn người. Đây là nhân tố quyết định đối với sự phát triển KH&CN. 

Dựa trên cơ sở đó, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, việc nghiên cứu và ứng dụng chuyển giao tiến bộ KHKT phù hợp với thực tiễn của tỉnh trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, công nghệ thông tin... có nhiều chuyển biến tích cực. Tính riêng trong 2 năm 2016 và 2017, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện gần 100 nhiệm vụ KH&CN mới cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó có 14 nhiệm vụ cấp quốc gia. Các nhiệm vụ KH&CN được triển khai thực hiện đã và đang giúp các đơn vị, địa phương tiếp cận và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiến bộ để chủ động sản xuất giống cây trồng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và trong nuôi trồng thủy sản, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN... Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp đã ứng dụng các biện pháp canh tác lúa tiên tiến (sử dụng phân viên nén tại các huyện miền núi đạt trên 4.200 ha; kỹ thuật cấy theo hiệu ứng đường biên hơn 5.000 ha; quản lý dịch hại tổng hợp IPM; quản lý cây trồng tổng hợp ICM...); cơ giới hóa khâu làm đất (cây lúa đạt 90%, cây ngô đạt 80%, cây mía đạt 75%...), khâu chăm sóc, thu hoạch trong nông nghiệp. Trong chăn nuôi đã ứng dụng thành công các công nghệ cao như thụ tinh nhân tạo, công nghệ cấy truyền phôi, tinh đông lạnh, tinh phân giới tính, cấy truyền hợp tử bò sữa cao sản... Đặc biệt, 57 vùng sản xuất rau an toàn tập trung trong toàn tỉnh theo tiêu chuẩn VietGap đã và đang thực hiện đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng với tổng diện tích là 334,9 ha, trong đó có 30 đơn vị xây dựng nhà lưới để sản xuất với tổng diện tích 26.470 m2.

Theo thống kê của ngành chức năng, năm 2016, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 42 mô hình áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, trong đó, một số mô hình được áp dụng rộng rãi, như: Mô hình sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ, có quy mô 180 ha, được triển khai tại huyện Thiệu Hóa; mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất mía tại huyện Thạch Thành. Đồng thời, đưa nhiều giống lúa mới, năng suất cao vào sản xuất, như: Thuần Việt 2, Thuần Việt 7, Lam Sơn 8, TBR225, HN6, M1-NĐ, SV181... Trong năm 2017, nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất theo hình thức cánh đồng mẫu lớn áp dụng tiến bộ KHKT mới, gắn với bao tiêu sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ đã nghiên cứu và ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất vật liệu xây dựng, hàng thủ công mỹ nghệ, bảo quản nông sản sau thu hoạch... góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm. Lĩnh vực y dược cũng đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong chẩn đoán, phát hiện, phòng và điều trị bệnh, đánh giá thực trạng một số bệnh trong cộng đồng có xu hướng gia tăng cùng với biến động của môi trường, khí hậu...

Cùng với việc phát huy nội lực, ngành khoa học tỉnh nhà đã chủ động đẩy mạnh hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN. Theo đó, hoạt động hợp tác với các viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước được thực hiện thường xuyên, liên tục, như: Viện Nghiên cứu Hải sản I và III, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Năng lượng Nguyên tử... Thông qua hợp tác nghiên cứu, một số giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao, một số kỹ thuật tiên tiến đã được chuyển giao vào địa bàn tỉnh, như: Lúa thơm, lúa ngắn ngày, lúa chịu mặn; các giống ngô, đậu xanh, đậu tương, lạc; các sản phẩm công nghệ cao như dưa Kim hoàng hậu, giống cam không hạt V2; mô hình sử dụng năng lượng mặt trời chiếu sáng đường phố; mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng tháp UASB. Đặc biệt, một số doanh nghiệp lớn trong tỉnh đã chú trọng hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với các tổ chức nước ngoài, như Công ty CP Mía đường Lam Sơn hợp tác với Viện nghiên cứu Mía đường Lucknow (Ấn Độ) để tuyển chọn và nhân giống mía; Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông đang tiến hành hợp tác với Công ty Lehmann Maschinenbau GmbM (Cộng hòa Liên bang Đức) để tiếp nhận, làm chủ công nghệ sản xuất phân bón phức hợp bằng công nghệ tháp cao...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, như: Chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu, triển khai, ứng dụng các thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống chưa đồng đều; việc nhân rộng các thành tựu KH&CN mới, các mô hình KH&CN có hiệu quả vào thực tiễn sản xuất và đời sống còn chậm; trình độ công nghệ trong các doanh nghiệp phần lớn ở mức trung bình trở xuống; tiềm lực KH&CN đã được quan tâm đầu tư, song chưa đủ mạnh. Số lượng cán bộ KH&CN của tỉnh không ít (khoảng 4,19% dân số), song số lượng cán bộ làm công tác nghiên cứu và phát triển chỉ đạt tỷ lệ 5,5 người/1 vạn dân...

Để KH&CN trở thành động lực cho sự phát triển và hội nhập, trong thời gian tới, ngành chức năng, chính quyền các cấp cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò và động lực của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường xây dựng, phát triển tiềm lực KH&CN nhằm tiếp thu, làm chủ, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KHKT, công nghệ mới phục vụ sản xuất và đời sống. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và mỗi địa phương đơn vị. Cùng với đó, từng bước đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

                                                                                                           Nguồn: Báo Thanh Hóa