Đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT trong xây dựng chính quyền điện tử - 09:14 23/04/2019

Chia sẻ facebook

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 1118/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7-3-2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025.


Mục đích nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 17, tạo sự chuyển biến rõ rết về nhận thức và hành động của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh và tạo sự đồng thuận ở các cấp, các ngành, các cơ quan về phát triển Chính quyền điện tử; đồng thời xác định các nội dung trọng tâm, nhiệm vụ cụ thể để UBND tỉnh và các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu vể phát triển Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh.

Phấn đấu trong giai đoạn 2019 - 2020, hoàn thiện các chính sách đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT xây dựng Chính quyền điện tử; đồng thời đưa vào sử dụng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh để kết nối, liên thông các hệ thống thông tin; cung cấp các dịch vụ CNTT sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh; 20% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống thông tin Chính quyền điện tử tỉnh, 100% các dịch vụ công trực tuyến được thực hiện ở mức độ 3, tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4; 100% các cổng/trang thông tin điện tử các cơ quan Nhà nước tỉnh công khai thông tin đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP; duy trì 100% các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện được triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, hệ thống thư điện tử công vụ. Trong giai đoạn 2021 – 2025 đạt 100% các dịch vụ công trực tuyến phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được thực hiện ở mức độ 4 và được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công của tỉnh; 40% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính quyền điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên các hệ thống thông tin của tỉnh; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên, tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.

UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị phải xác định việc phát triển Chính quyền điện tử là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết, thường xuyên, lâu dài; là yếu tố quan trọng bảo đảm thực hiện thành công các khâu đột phá chiến lược, cần chú trọng, ưu tiên trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, địa phương; ứng dụng, phát triển CNTT trong các lĩnh vực, trong đó trọng tâm ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước; xây dựng Chính quyền điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân, cũng như bảo đảm nguồn lực triển khai xây dựng Chính quyền điện tử.

                                                                                                                                                      Nguồn: Báo Thanh Hóa