Hiệu quả từ việc kết nối cung - cầu nông sản - 15:53 07/02/2020

Chia sẻ facebook

Kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm an toàn từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tìm đầu ra cho hàng hóa nông sản, tạo nguồn cung với giá cả ổn định cho thị trường, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 630 Hợp tác xã nông nghiệp, 130 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản đã chứng nhận đủ điều kiện theo quy định; 240 cửa hàng kinh doanh thực phẩm được chứng nhận an toàn...Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều hộ sản xuất, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong việc đầu tư, mở rộng sản xuất, kênh quảng cáo, đưa sản phẩm hàng hóa tới tay người tiêu dùng. Trước những khó khăn đó, UBND tỉnh và các sở ban ngành liên quan hằng năm tổ chức nhiều hoạt động giao thương, kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm giữa các địa phương trong tỉnh, các tỉnh khác như hội nghị kết nối cung cầu nông sản thực phẩm an toàn và hệ thống quản lý an toàn thực phẩm; Hội nghị giới thiệu phần mềm kết nối cung cầu sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn và hệ thống thông tin quản lý an toàn thực phẩm...Qua đây, các hợp đồng tiêu thụ nông sản được ký kết, tổ chức được nhiều gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm thu hút nhiều lượt khách đến tham quan và mua sắm...Từ những chương trình kết nối cung - cầu, các kênh quảng bá, giới thiệu đến nay có nhiều sản phẩm đã kết nối đến với người tiêu dùng thành công như: Rau an toàn, nước mắm Ba làng, miến gạo Phú Lộc...đươc đưa vào tiêu thụ tại các cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị... đồng thời đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tăng cường giao thương, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu.


Hình ảnh chăm sóc rau thủy canh tại Nông trại Queen Farm, thôn Dục Tú, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương).

Điển hình cho mô hình nuôi trồng thực phẩm sạch, an toàn toàn là mô hình trồng rau sạch của Nông trại Queen Farm do anh Trần Văn Tân, thôn Dục Tú, thị trấn Tân phong (Quảng xương) làm chủ được đánh giá là một trong những mô hình có quy mô ở địa phương. Hiện nay, trang trại của anh Tân đang ứng dụng những kỹ thuật hiện đại vào trồng trọt và sản xuất  các loại rau thủy canh như rau cải, rau muống, rau mồng tơi ...và một số loại giống cây trồng chất lượng cao. Trong năm 2019, anh tham gia các hoạt động kết nối cung cầu nông sản, sản phẩm  rau thủy canh nông trại của anh đã được nhiều người người dân quan tâm và biết đến, sản lượng rau được tiêu thụ nhiều hơn so với trước đây. Ngoài những đơn vị phân phối cũ, sau hội nghị kết nối, nông trại đã ký thêm nhiều hợp đồng cho các nhà hàng, khách sạn, trường học, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch. Trung bình mỗi ngày trang trại cung cấp cho thị trường hơn 2,5 tạ dưa các loại và gần 1 tạ rau an toàn”. Bên cạnh đó, anh Tân còn tham gia phần mềm “Kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn”, qua đó đã ký hợp đồng với 31 đơn vị.

Thông qua kết nối cung - cầu nông sản, người dân, doanh nghiệp sản xuất tiếp cận được các hệ thống phân phối hiện đại, nắm bắt xu thế thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì phù hợp hơn. Đồng thời cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tăng cường giao thương, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu.

                                                                                                                                       Phòng thông tin KH&CN