Hiệu quả chất lượng các nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở - 11:17 08/12/2020

Chia sẻ facebook

Bên cạnh việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp Nhà nước, những năm gần đây, tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới cơ chế, chính sách cũng như nội dung quản lý các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, cấp cơ sở, qua đó từng bước cải thiện chất lượng các đề tài, dự án, nâng cao tính ứng dụng và khả năng nhân rộng kết quả sau nghiệm thu, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung.

Để chất lượng các nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở đạt hiệu quả, hàng năm, Sở KH&CN thông báo đến các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh mời gọi đề xuất các nhiệm vụ KH&CN cần thực hiện cho năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh ở tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn, y tế... Các ý tưởng đề xuất này được tổng hợp theo các lĩnh vực và thông qua Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ chuyên ngành (do UBND tỉnh quyết định) sẽ hình thành các nhiệm vụ KH&CN trình UBND tỉnh quyết định đặt hàng thực hiện. Việc đặt hàng được thông báo rộng rãi đến các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh biết để gửi hồ sơ tham gia việc tuyển chọn thực hiện. Hội đồng tuyển chọn sẽ chọn ra hồ sơ tốt nhất theo yêu cầu đặt hàng để chọn lựa đơn vị chủ trì thực hiện. Tiếp sau bước tuyển chọn là thẩm định kinh phí và trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả tuyển chọn, xét chọn. Sau khi được UBND tỉnh phêduyệt, Sở KH&CN tiến hành ký kết hợp đồng với đơn vị chủ trì để triển khai thực hiện. Các bước cuối cùng là đánh giá nghiệm thu kết quả nhiệm vụ KH&CN đã thực hiện và tổ chức bàn giao cho các đơn vị sử dụng kết quả (đã được UBND tỉnh phê duyệt) triển khai ứng dụng.

Song song với các hoạt động trên, những năm qua, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN thực hiện trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN đã được triển khai đồng bộ ở hầu hết các lĩnh vực. Việc đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN ở các lĩnh vực theo đúng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu ngành KH&CN giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030. Công tác quản lý, triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh ngày càng chặt chẽ và hiệu quả: thực hiện nghiêm cơ chế đặt hàng, quy trình tư vấn xác định, tuyển chọn hoặc giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo quy định Nhà nước. Ưu tiên chọn lựa, tham mưu đặt hàng thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có sự tham gia, đối ứng kinh phí của các doanh nghiệp và có địa chỉ ứng dụng ngay từ đầu. Các doanh nghiệp đã tích cực huy động nguồn vốn của mình tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Hợp đồng giữa Sở KH&CN đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN luôn được rõ ràng, cụ thể hơn về trách nhiệm quyền hạn của mỗi bên. Các chương trình, đề tài khoa học, đặc biệt là các nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở đã bám sát và phục vụ có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng, của tỉnh nói chung. Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN đạt hiệu quả cao trong nghiên cứu, thực nghiệm được nhân rộng và phát huy trong thực tiễn. Một số địa phương, các sở, ngành đã lựa chọn và cấp kinh phí thực hiện những đề tài, dự án và xây dựng các mô hình trình diễn về ứng dụng tiến bộ KH&CN.

Tiêu biểu trong việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở là ngành y tế, với việc chủ động đầu tư trang thiết bị, kinh phí cho công tác nghiên cứu KH&CN, nhiều tiến bộ khoa học mới được nghiên cứu, ứng dụng phục vụ công tác khám, chữa bệnh, đã được triển khai thành công tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân, như: ứng dụng công nghệ ghép tế bào gốc điều trị thành công bệnh ung thư máu, ung thư vú; phẫu thuật nội soi sau phúc mạc điều trị sỏi niệu quản 1/3 trên; phẫu thuật nội soi cắt u tuyến thượng thận; nghiên cứu quy trình và sản xuất thành công một số sản phẩm từ dược liệu trong lĩnh vực thuốc đông y góp phần điều trị một số bệnh; nghiên cứu sưu tầm và bảo tồn giống dược liệu quý của tỉnh... Giai đoạn 2016-2020 ngành y tế đã triển khai thực hiện 66 đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành; 3.024 đề tài nghiên cứu của các bệnh viện, các đơn vị trực thuộc tuyến tỉnh, tuyến huyện.

Bên cạnh ngành y tế, ngành nông nghiệp cũng đã quan tâm đẩy mạnh hoạt động KH&CN gắn với quá trình triển khai chương trình, kế hoạch của ngành. Trong lĩnh vực trồng trọt, nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống, hệ thống canh tác, cơ giới hóa, quản lý dịch bệnh, tạo ra chuỗi sản xuất hợp lý, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng các nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở, thời gian tới, các ban, sở, ngành, các địa phương cần bố trí cán bộ chuyên trách (nếu bố trí cán bộ kiêm nhiệm cần phải ổn định công tác) quản lý KH&CN; tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Sở KH&CN để triển khai tốt các hoạt động quản lý Nhà nước về KH&CN trên địa bàn, chú trọng các lĩnh vực: thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, an toàn bức xạ, trong đó tập trung vào các sản phẩm hàng hóa thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh như: xăng dầu, thực phẩm, nước sạch, nước đóng chai, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng hóa đóng gói sẵn. Đối với nhiệm vụ triển khai ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống cần lựa chọn các nhiệm vụ mang tính cấp thiết tại cơ sở như: xây dựng các mô hình sản xuất phục vụ chương trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008; khai thác thông tin KH&CN để đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận được các chương trình, dự án của Trung ương và của tỉnh về đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sở hữu trí tuệ...

                                                                                               Mai Hương (Nguồn: Báo Thanh Hóa)