Cơ chế vượt trội khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - 15:10 23/08/2021

Chia sẻ facebook

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang rà soát, sửa đổi các quy định về xét duyệt nhiệm vụ KH&CN theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi để doanh nghiệp (DN) tham gia nghiên cứu và ứng dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN vào sản xuất, kinh doanh cũng như xây dựng cơ chế hợp tác công - tư trong đầu tư mạo hiểm cho KH&CN và đổi mới sáng tạo.


Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định

Hỗ trợ DN hoạt động đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung vào nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ cũng như đổi mới về nhận thức, coi đầu tư cho KH&CN là đầu tư cho phát triển. Mặt khác, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách để chuyển dịch theo định hướng đưa DN trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia - Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định nhấn mạnh.

Trong giai đoạn 2016-2020, với những chính sách và hành động quyết liệt của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế nước ta ở mức cao và ổn định có phần đóng góp quan trọng của việc gia tăng ứng dụng và đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực. Đáng chú ý, đầu tư cho KH&CN trong những năm qua đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong đóng góp của xã hội, nhất là từ khu vực DN. Nếu như khoảng 10 năm trước đây, kinh phí hoạt động KH&CN chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước (khoảng 70-80% tổng đầu tư cho KH&CN), thì đến nay, đầu tư cho KH&CN từ ngân sách Nhà nước và từ DN đã tương đối cân bằng với tỷ lệ tương ứng là 52% và 48%.

Trước những khó khăn, thách thức do dịch COVID-19, việc phát huy các thành tựu nghiên cứu công nghệ cùng với việc thúc đẩy mạnh sự phối hợp hiệu quả giữa cơ quan quản lý, viện nghiên cứu và DN trong việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ đã tạo ra các sản phẩm, giải pháp có chất lượng trong kiểm soát, phòng chống dịch bệnh.

Mặc dù, hoạt động KH&CN có những đóng góp trong tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội nhưng năng lực đổi mới công nghệ, hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo của DN trong nước còn nhiều hạn chế. Mặt khác, các DN khởi nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận được các nguồn vốn, tín dụng để tiến hành đổi mới công nghệ do vướng mắc về điều kiện tài sản bảo đảm. Nhiều DN chưa có tầm nhìn dài hạn về việc cải tiến, đổi mới công nghệ để phát triển bền vững; các nỗ lực đổi mới công nghệ tại DN còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu hệ thống và chưa tận dụng được các thế mạnh, điều kiện thuận lợi của từng địa phương, từng vùng miền…Bên cạnh đó, nhận thức của các cơ quan quản…. lý về chấp nhận rủi ro trong đầu tư ứng dụng, cải tiến và đổi mới công nghệ còn khó thực thi do chưa có sự đồng bộ trong các quy định pháp luật. Chính sách về mua sắm công chưa tạo động lực khuyến khích cho việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ là kết quả của hoạt động đổi mới, phát triển công nghệ của DN trong nước. Còn thiếu các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước cho các DN đưa sản phẩm là kết quả của nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ tiếp cận được với các thị trường tiềm năng. Hơn nữa, liên kết giữa các DN, giữa DN với viện - trường và các cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương và địa phương trong đổi mới, ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ còn yếu; chưa có cơ chế khuyến khích sử dụng lực lượng lao động của viện - trường tham gia vào hoạt động đổi mới, cải tiến, phát triển công nghệ tại DN…

Thực tiễn cho thấy các quốc gia và vùng lãnh thổ thành công trong quá trình chuyển từ thu nhập thấp sang thu nhập cao đều dựa vào KH&CN, đổi mới sáng tạo (điển hình như Hàn Quốc, Singapo, Ba Lan, Đài Loan…). Từ kinh nghiệm của các quốc gia thành công và từ thực tiễn nước ta, trong giai đoạn tới đây, để KH&CN, đổi mới sáng tạo thật sự là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế, chúng ta cần tập trung vào 6 phương hướng trọng tâm.

- Một là, phải hoàn thiện thể chế để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, tổ chức KH&CN, viện nghiên cứu, trường đại học tiến hành các hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là cần có các cơ chế, chính sách mới đột phá, vượt trội và các chính sách thử nghiệm cho các mô hình mới trong phát triển kinh tế, mô hình kinh doanh mới, khuyến khích và thúc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu KH&CN, đổi mới sáng tạo.

- Hai là, tăng cường đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo, tập trung vào huy động tối đa nguồn lực xã hội, trong đó từ DN là chủ yếu để đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) nói riêng và đầu tư cho KH&CN, đổi mới sáng tạo nói chung.

- Ba là, phát triển thị trường KH&CN và đổi mới sáng tạo trên nguyên tắc tiếp cận theo thông lệ quốc tế để tăng nhanh giá trị giao dịch hàng hóa KH&CN và đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian, môi giới để tăng cường hoạt động dịch vụ môi giới, tư vấn chuyển giao công nghệ. Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN bao gồm sàn giao dịch công nghệ, cơ sở dữ liệu tích hợp, dùng chung và các cộng cụ để kết nối thị trường… Hình thành các kênh nhập khẩu công nghệ tiên tiến đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh và đổi mới sáng tạo của các DN trong nước đặc biệt là đối với các lĩnh vực công nghiệp/ ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

- Bốn là, tập trung vào đổi mới công nghệ theo hướng trang bị công nghệ phù hợp trong toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là trong các DN nhằm tạo ra tác động tích cực để nâng cao năng suất, chất lượng của các DN, của các ngành và của toàn bộ nền kinh tế. Từng bước nâng cao trình độ và năng lực công nghệ của quốc gia theo định hướng tăng nhanh tỷ lệ công nghệ cao, giảm dần công nghệ thấp và trung bình, ưu tiên đặc biệt cho xây dựng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

- Năm là, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực kỹ thuật, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản trị DN bao gồm cả nhân lực có kỹ năng được đào tạo phù hợp và thích ứng với nhu cầu của thị trường, nguồn nhân lực phù hợp với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư và chuyển đổi số quốc gia.

- Sáu là, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong các DN mà trọng tâm là năng lực đổi mới công nghệ và năng lực quản trị DN. Hỗ trợ DN để có khả năng hấp thụ, làm chủ công nghệ mới chuyển giao từ nước ngoài và công nghệ tạo ra trong nước, tiến tới tự chủ công nghệ, qua đó từng bước xây dựng nền kinh tế tự chủ của đất nước.

Để có những chính sách chuyển dịch theo định hướng đưa DN trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN cần có những giải pháp, cơ chế rõ ràng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay:

- Đối với Doanh nghiệp, Bộ KH&CN sẽ rà soát, sửa đổi các quy định về xét duyệt nhiệm vụ KH&CN theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi để DN tham gia nghiên cứu và ứng dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN vào sản xuất - kinh doanh. Đồng thời tiếp tục triển khai các chính sách để phát triển mạnh mẽ DN khởi nghiệp sáng tạo, biến khởi nghiệp sáng tạo là một trong những động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, trước mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước. Đặc biệt có chính sách thúc đẩy khu vực tư nhân, cá nhân và các DN lớn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng cơ chế hợp tác công - tư trong đầu tư mạo hiểm cho KH&CN và đổi mới sáng tạo. Mặt khác, Bộ cũng triển khai đồng bộ, tổng thể các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN thông qua các hoạt động hỗ trợ về đổi mới, chuyển giao, ứng dụng và làm chủ công nghệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, khai thác sáng chế và xác lập quyền sở hữu trí tuệ, thông tin về KH&CN; khuyến khích DN đầu tư nước ngoài hình thành các trung tâm nghiên cứu và triển khai, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

- Đối với các viện nghiên cứu, đại học, tổ chức KH&CN, cần có chính sách, giải pháp để đại học thực sự trở thành các trung tâm nghiên cứu KH&CN. Bộ KH&CN là đầu mối định hướng nội dung hoạt động KH&CN, quản lý điều hành các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phối hợp với Bộ GD&ĐT có cơ chế liên quan đến giảng viên tham gia hoạt động KH&CN ở DN; ươm tạo DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời xác định, quy hoạch lại hệ thống cơ sở nghiên cứu KH&CN của Việt Nam trong thời kỳ mới, ngoài hai Viện Hàn lâm: Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Khoa học xã hội Việt Nam, hai Đại học Quốc gia: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các viện nghiên cứu trực thuộc bộ, ngành... cần đặc biệt lưu ý đến các trường đại học, các viện nghiên cứu thuộc DN.

Từ đó, xác định nhiệm vụ đặt hàng nghiên cứu, nguồn lực Nhà nước sẽ tập trung đầu tư, mức độ đầu tư và cơ chế tài chính, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, động viên DN tham gia phát triển KH&CN, củng cố hệ thống các cơ sở nghiên cứu KH&CN; sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là đối với các tổ chức KH&CN công lập.

                                                                                                  Mai Hương (Nguồn: Báo Chính Phủ)