Ngày 24/3/2022 tại Thành
phố Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo về mô hình, cơ chế
chính sách thúc đẩy phát triển Khu công nghệ cao của Việt Nam. Tham dự hội thảo
có Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành
ủy Thành phố Hồ Chí Minh; ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch
UBND Thành phố Hồ Chí Minh; ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ
trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo UBND nhiều tỉnh thành trong cả nước,
lãnh đạo các khu công nghệ cao (CNC) và chuyên gia kinh tế.

Quang cảnh hội thảo
Hội thảo lần này là dịp Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp nhận thêm
những ý kiến để tháo gỡ một số vướng mắc, chính sách, tạo hành lang pháp lý
thuận lợi hơn, thúc đẩy việc xây dựng, phát triển khu CNC.
Tại
hội thảo, các đại biểu cho rằng các khu công nghệ cao trên phạm vi cả nước hiện
đang phát huy hiệu quả trong thu hút các dự án công nghệ cao, qua đó, đã tạo
động lực, sức lan tỏa cho công nghiệp cả nước phát triển. Tuy nhiên, các khu
công nghiệp công nghệ cao hiện chưa phát huy được như kỳ vọng. Số dự án thu hút
được của các tập đoàn, công ty lớn chưa nhiều... Một trong những nguyên nhân
dẫn đến điều này là các khu công nghệ cao còn thiếu kết cấu hạ tầng công nghệ;
chính sách hỗ trợ để thu hút các dự án công nghệ cao chưa thật sự hấp dẫn so
với các nước trong khu vực. Các địa phương hiện còn gặp vướng mắc về cơ chế,
chính sách trong việc xây dựng mới các khu công nghệ cao, hoặc tiếp tục mở rộng
các khu công nghệ cao hiện hữu. Các đại biểu kiến nghị, các cơ quan chức
năng cần sớm ban hành các quy định để xác định khung mô hình quản lý nhà nước
và cơ chế phân cấp để từng bước tháo gỡ các rào cản, hoàn thiện mô hình quản lý,
tạo đà phát triển các khu công nghiệp trên cả nước. Xây dựng thêm cơ chế thu
hút nhà đầu tư tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao; nâng cao
vai trò của địa phương trong quản lý các khu công nghiệp công nghệ cao; tiến
đến thống nhất về chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức và cơ chế, chính sách ưu
đãi đối với các khu công nghiệp công nghệ cao. Để khu công nghệ cao phát
huy hiệu quả, các địa phương cần chú trọng xây dựng hệ sinh thái khu công nghệ
cao dựa trên 3 yếu tố: Hệ thống các phòng thử nghiệm; doanh nghiệp sản xuất
công nghệ cao và các hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Theo Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, vấn đề đặt ra không chỉ là kinh
phí hoạt động của các phòng thí nghiệm ở khu CNC mà vấn đề là các dịch vụ liên
quan như: chỗ ở cho chuyên gia, cở sở hạ tầng về công nghệ, các dịch vụ hỗ trợ
liên quan để kết quả nghiên cứu đưa ra sản xuất, dùng thử, đưa ra thị trường và
đăng ký sở hữu trí tuệ... Đây là hệ sinh thái dịch vụ giúp cho phòng thí nghiệm
hoạt động, nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất sản phẩm đưa ra thị trường.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND Thành
phố Hồ Chí Minh - cho rằng, qua hội thảo bàn về cơ chế, chính sách để phát
triển Khu CNC, về vấn đề pháp lý vẫn chưa được tháo gỡ, muốn giải quyết vấn đề
này phải trình sửa đổi nhiều Luật mới giải quyết được các vấn đề từ quy hoạch,
chiến lược, phân cấp, phân quyền, cơ chế đặc thù đột phá… Do vậy, ông Phan Văn
Mãi kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sau hội thảo có thể tiến hành nghiên
cứu, xúc tiến các bước đi cần thiết, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cơ chế
thử nghiệm về chính sách phát triển khu công nghệ cao sớm nhất và ban hành Nghị
quyết về việc này. Ông Phan Văn Mãi khẳng định rằng Thành phố Hồ Chí Minh với
trách nhiệm, kinh nghiệm của mình sẽ cùng tham gia với Bộ Khoa học và Công nghệ
để thực hiện và UBND Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng chia sẻ và hợp tác trên
lĩnh vực này với các địa phương.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt chủ trì hội
thảo
Ghi nhận những góp ý, đề xuất của các địa phương, Bộ trưởng Bộ
Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, Luật Công nghệ cao ban hành từ
năm 2008, đến nay đã không còn phù hợp với tình hình phát triển, dẫn đến nhiều
bất cập trong công tác điều hành hoạt động của khu công nghệ cao. Theo Bộ
trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, thời gian qua, Bộ Khoa học và
Công nghệ và các bộ, ngành liên quan đã tích cực phối hợp xây dựng, tham mưu
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy hiệu quả
thu hút đầu tư vào các khu CNC như các chính sách về thuế, đầu tư, đất đai…
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Khoa học và Công nghệ đang hoàn thiện dự thảo
Nghị định quy định về khu CNC tập trung vào giải quyết, tháo gỡ một số vướng
mắc chính, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn, thúc đẩy việc xây dựng, phát
triển khu CNC (như trình tự thủ tục thành lập, mở rộng khu công nghiệp; cơ cấu
tổ chức, thẩm quyền ban quản lý; tiêu chí thu hút dự án đầu tư vào khu CNC…)
trong bối cảnh pháp luật chuyên ngành đã thay đổi rất nhiều kể từ thời điểm
Luật Công nghệ cao ra đời. Tuy nhiên, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, phải
nhìn nhận vấn đề thực tế là các nội dung quản lý nhà nước đối với khu công nghệ
rất rộng, bao phủ rất nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của nhiều pháp
luật chuyên ngành khác nhau nên còn nhiều nội dung chưa giải quyết được trong
một Nghị định quy định về khu CNC đang được xây dựng, hoàn thiện. Sau hội thảo
này, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục xây dựng báo cáo, đề xuất các giải
pháp, chính sách nhằm phát triển các khu công nghệ cao trong thời gian tới.
Việt Nam hiện có 4 khu công nghệ cao gồm: Khu công nghệ cao Hòa
Lạc (Hà Nội), Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao và các
khu công nghiệp Đà Nẵng, Khu công nghệ sinh học Đồng Nai. Hiện, TP Cần Thơ và
tỉnh Hà Nam có đề án xin thành lập khu công nghệ cao và đang chờ các cấp thẩm
quyền phê duyệt. Mô hình khu công nghệ cao được cho tạo môi trường thu hút đầu
tư doanh nghiệp trong nước và quốc tế, ươm tạo, nghiên cứu chuyển giao công
nghệ, đào tạo nhân lực... phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương và
cả nước.
Hoàng Việt Anh (Nguồn: Cục thông tin KH&CN)