Hệ thống chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp, nông thôn - 16:01 07/02/2020

Chia sẻ facebook

Nông nghiệp, nông thôn luôn là sự quan tâm hàng đầu của Đảng và nhà nước trong suốt các thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính vì thế, Đảng và nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương chính sách nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.Thực hiện Nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút các nguồn lực đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt là hệ thống chính sách, chương trình, đề án liên quan đến khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng KH&CNtrong nông nghiệp, nông thôn.

1. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

- Doanh nghiệp ứng dụng thành công thành tựu KH&CN trong sản xuất được ưu tiên xét giao thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, được quỹ của nhà nước hỗ trợ kinh phí cho hoạt động KH&CN (Khoản 3 Điều 45 Luật KH&CN);

- Sử dụng ngân sách nhà nước cho việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, mua bản quyền công nghệ, thuê chuyên gia, thông tin tuyên truyền, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ... (Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP).

2. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, tín dụng và sử dụng đất đai.

- Doanh nghiệp được ưu đãi về thuế từ thu nhập thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thu nhập từ sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng ở Việt Nam.... (Điều 64, 65 Luật KH&CN).

- Doanh nghiệp thực hiện các hoạt động chuyển giao công nghệ được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng..., đối với cơ sở ươm tạo công nghệ được miễn thuế sử dụng đất (Điều 44 Luật Chuyển giao công nghệ và Khoản 8 Điều 44 Luật Chuyển giao công nghệ).

- Doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển, đầu tư vào nuôi trồng, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản; trồng và bảo vệ rừng; làm muối...... được hưởng các ưu đãi về  thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư (Mục a, e Khoản 1 Điều 16 và Điều 15 Luật Đầu tư).

3. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp liên kết xác định và thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

Doanh nghiệp liên kết với các nhà khoa học, các tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước: hỗ trợ đến 30% vốn đầu tư cho dự án của doanh nghiệp ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN...; đến 50% vốn đầu tư cho dự án thực hiện ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; đến 50% vốn đầu tư cho dự án thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm của Nhà nước (Điều 32 Luật KH&CN và hướng dẫn chi tiết tại Điều 38 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP).

4. Chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp KH&CN.

Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng mức ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất, nhập khẩu, được cấp đất và miễn tiền sử dụng đất, được miễn, giảm thuế sử dụng đất đai, được ưu đãi về tín dụng, được cấp toàn bộ hoặc một phần kinh phí cho các dự án KH&CN, được đầu tư một phần hoặc toàn bộ trang thiết bị phục vụ nghiên cứu chuyển giao công nghệ (Điều 12 Luật công nghệ cao).

5. Chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp hình thành các tổ chức KH&CN để thực hiện các hoạt động KH&CN mang tính chuyên nghiệp, chuyên sâu.

Theo Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KH&CN, doanh nghiệp được thành lập các tổ chức KH&CN để thực hiện các hoạt động KH&CN mang tính chuyên nghiệp, chuyên sâu (Điều 3, 5, 7, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 20, 21, 22, 23); doanh nghiệp được đăng ký thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 30, 31); doanh nghiệp được liên kết với các tổ chức, cá nhân để thực hiện nhiệm vụ KH&CN (Điều 38).

6. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN.

Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho phát triển nâng tiềm lực KH&CN, đầu tư hỗ trợ xây mới, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phòng thí nghiệm, trung tâm kiểm phân tích, kiểm nghiệm, kiểm định... các cơ sở ứng dụng và chuyển giao công nghệ... cho các doanh nghiệp là tổ chức KH&CN (Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP).

Doanh nghiệp được trích từ 3% đến 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để thành lập quỹ phát triển KH&CN, quỹ được sử dụng để hỗ trợ phát triển KH&CN của doanh nghiệp như xây dựng cơ sở hạ tầng dành cho nghiên cứu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, mua bản quyển công nghệ, đào tạo, thông tin tuyên truyền... (Điều 8, 9, 10, 11 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP).

8. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thực hiện các nhiệm KH&CN trong các đề án, chương trình KH&CN quốc gia.

Doanh nghiệp được khuyến khích tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, cụ thể là các đề án, chương trìnhví dụ như : Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 (Quyết định số 2441/QĐ-TTg ngày 31/12/2010); Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 (Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 10/5/2011);Chương trình Quốc gia phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 (Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012);Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28/9/2015).

9. Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và việc hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động khoa học công nghệ.

Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia có vốn điều lệ là 1000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Trọng tâm của Quỹ là đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp, trong đó Quỹ được sử dụng đến 50% vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các hình thức hỗ trợ lãi suất vay, cho vay ưu đãi, bảo lãnh để vay vốn; hỗ trợ đến 100% tổng kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, quyền sở hữu, quyền sử dụng công nghệ, quyền đối với giống cây trồng, vật nuôi....

Như vậy, cho đến thời điểm hiện nay hệ thống chính sách hoạt động khoa học và công nghệ (gồm 04 Luật, 06 Nghị định, 16 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) đã được ban hành và tạo được hành lang pháp lý thuận lợi khuyến khích doanh nghiệp nông nghiệp trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ .
                                                                                                       Mai Hương ( Phòng Thông tin KH&CN)