TẠO BƯỚC ĐỘT PHÁ VỀ THỊ TRƯỜNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ - 16:11 16/06/2014

Chia sẻ facebook

Ngày 08/11/2013 Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 2075/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) đến năm 2020 với mục tiêu tạo bước đột phá về thị trường KH&CN trong những năm tới.  

Thị trường KHCN (TTKH&CN) là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có vai trò then chốt trong việc tạo môi trường thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

 Chương trình chỉ ra 3 mục tiêu cụ thể: Tăng giá trị mua bán các sản phẩm và dịch vụ khoa học và công nghệ trên thị trường hàng năm bình quân không dưới 15%, không dưới 20% đối với một số công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển; tỷ trọng giao dịch mua bán tài sản trí tuệ (giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật) trong tổng giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm và dịch vụ trên thị trường khoa học và công nghệ đạt không dưới 10% vào năm 2015 và không dưới 20% vào năm 2020; đến năm 2020: Thiết lập mạng lưới sàn giao dịch công nghệ kèm theo hệ thống tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ hỗ trợ, trọng tâm là thành phố Hà Nội, Tp HCM và Đà Nẵng.

            Từ mục tiêu đó Quyết định đã chỉ ra 2 định hướng nhiệm vụ: Hoàn thiện môi trường pháp lý, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về thị trường khoa học và công nghệ ; thúc đẩy dịch vụ thị trường khoa học công nghệ và thúc đẩy nhu cầu công nghệ và nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ.

            Đặc biệt, Quyết định cũng chỉ ra 05 giải pháp thực hiện bao gồm:

1. Nâng cao năng lực quản lý về thị trường khoa học và công nghệ

a) Kiện toàn tổ chức bộ rnáy, hoàn thiện cơ chế quản lý, cơ chế phối hợp trong quản lý thị trường khoa học và công nghệ.

b) Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Trưởng ban và các thành viên là đại diện một số Bộ, ngành có liên quan. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Văn phòng giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình.

2. Bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình

a) Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình được bố trí từ ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ hằng năm, các quỹ khoa học và công nghệ, các tổ chức tín dụng và các nguồn hợp pháp khác.

b) Bố trí đất đai với cơ chế ưu đãi theo quy định của pháp luật để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

3. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực

a) Bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ làm việc trong lĩnh vực quản lý về thị trường khoa học và công nghệ.

b) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên trong các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ về các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, thông tin khoa học và công nghệ, đánh giá và định giá công nghệ, giám định công nghệ và các dịch vụ khác liên quan đến phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

4. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế

a) Tăng cường hợp tác và trao đổi kinh nghiệm về quản lý, tổ chức và hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ với các tổ chứcdịch vụ khoa học và công nghệ, các sàn giao dịch khoa học và công nghệ, các tổ chức khoa học và công nghệ của các nước, khu vực và quốc tế.

b) Tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế về khoa học và công nghệ; khuyến khích hợp tác quốc tế song phương và đa phương giữa các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường khoa học và công nghệ.

c) Áp dụng cơ chế đặc thù nhằm thúc đẩy kết nối thị trường khoa học và công nghệ trong nước với nước ngoài; chủ động hội nhập, nâng cao trình độ phát triển thị trường khoa học và công nghệ theo chuẩn mực của quốc tế.

5. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thị trường khoa học và công nghệ

a) Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển thị trường khoa học và công nghệ; phổ biến kiến thức về thị trường khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế, kinh nghiệm của những mô hình đổi mới sáng tạo thành công.

b) Tổ chức hoạt động quảng bá, tiếp thị công nghệ nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp, nhà sáng chế và các đối tượng khác tham gia thị trường khoa học và công nghệ.

c) Đa dạng hóa các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm vận động, thu hút các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và địa phương tham gia Chương trình.

Thị trường khoa học và công nghệ có vai trò quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta. Với những gì mà Đảng, Chính phủ đã, đang và sẽ thực hiện, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng trong tương lai không xa, TTKH&CN sẽ góp phần quan trọng đưa nước ta đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp.

                                                                                     

Phòng TT(St)