Kỹ thuật nuôi cá chạch lấu - 16:00 11/03/2021

Chia sẻ facebook

Cá chạch lấu được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: cá chạch bông, chạch làn, chạch chấu… Là loài cá nước ngọt, nhưng chúng có khả năng sinh trưởng và phát triển mạnh cả trong môi trường nước ngọt và nước lợ cửa sông.

Thân cá có màu xanh đậm hoặc đen xám, xen kẽ nhiều đốm vàng hình tròn hoặc bầu dục. Trên vây lưng có gai, vây tại ngực và hậu môn có đốm đen nhỏ. Chạch lấu không có vây bụng. Chúng sinh sống ở hầu hết các kênh rạch và tập trung đông tại nơi có dòng chảy xiết, nồng độ oxy hòa tan trong nước cao. Thức ăn chủ yếu của cá khi còn nhỏ là giun, ấu trùng, côn trùng, giáp xác nhỏ… Lớn lên, chúng ăn côn trùng trưởng thành, tôm, tép, cá nhỏ…Kích thước chạch lấu trưởng thành dao động từ 150 -250g/con 1 năm tuổi và 450-500g/con 2 năm tuổi, chiều dài lên đến 35-40 cm. Mô hình nuôi chạch lấu của gia đình ông Lê Công Tư (Triệu Sơn – Thanh Hóa) đang là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh nhà. Qua các vụ nuôi cho thấy, chạch lấu hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu, địa hình ở địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao.

Để thu được hiệu quả kinh tế cao,sau đây xin được giới thiệu với bà con một số kỹ thuật nuôi và chăm sóc cá chạch lấu đúng cách.

Bước 1: Thiết kế ao nổi lót bạt nuôi cá chạch lấu

- Ao nuôi có diện tích phù hợp nhất để dễ dàng quản lý, chăm sóc và thu hoạch chạch lấu thương phẩm phải có diện tích từ 500 -1000 mét vuông.

- Nên sử dụng ao khung sắt lót bạt sẽ tiện lợi hơn, khi ao lót bạt có bề mặt trơn mềm không làm trầy xước, viêm loét cho cá.

- Cá chạch lấu sống và thích nghi tốt nhất ở nhiệt độ từ 250C – 270C. Vì vậy khi làm bể nuôi phải có mái che

- Ao phải có hệ thống cấp thoát nước dễ dàng

- Khi đã thiết kế xây dựng được ao, bà con gây tạo màu nước để chuẩn bị thả cá. Nguồn nước cấp vào ao phải sạch và dùng phân xanh gây màu nước khoảng 3-4 ngày là thả cá chạch lấu

- Mật độ thả nuôi cá chạch lấu trong ao cần duy trì 2 – 5con/mét vuông là hợp lý nhất.


Ao khung sắt lót bạt có mái che nuôi cá chạch lấu.

2. Chọn cá chạch giống

Khâu chọn giống sẽ quyết định đến năng suất thu hoạch của từng hộ kinh doanh. Đối với cá chạch, tốt nhất bà con nên chọn con giống to khỏe đạt chất lượng, không bị dị hình, dị tật, bơi lội nhanh nhẹn, kích cở đồng đều, không mang mầm bệnh. Thông thường từ 2 -3g/con là phù hợp.

-  Nên lựa chọn mua giống tại các cơ sở có uy tín do chạch lấu là giống lai tạo.

-  Mật độ thả từ 50 -100 con/m2.Không thả quá dày sẽ khiến môi trường sống của chạch bị chật chội, chạch chậm lớn.

-  Trước khi thả cá xuống ao cần tắm cho cá bằng nước muối pha loãng 2-3% trong 10 -15 phút để tiêu diệt kí sinh trùng và sát khuẩn, thả từ từ bao chứa cá xuống ao nuôi để cá thích nghi dần với môi trường nước trong khoảng 15 phút trước khi mở bao tải và để cá tự chui ra.

 

3. Thức ăn cho cá chạch lấu

Cá chạch lấu gần giống cách ăn của cá trê là loại háu ăn, ăn tạp. Nhưng cá chạch ăn thường thay đổi theo sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể, nên bà con cần lưu ý điều này.

- Cá chạch dài cỡ khoảng 5cm: thích và phù hợp nhất là ăn râu ngành, chân chèo, động vật phù du.

- Cá chạch dài cỡ 5cm-8cm: thức ăn phù hợp là ăn động vật phù du, giun nhỏ và ấu trùng muỗi lắc.

- Cá chạch dài cỡ 8cm-10cm: cá ăn tảo khuê, thân lá cây cỏ non, các loại hạt ngũ cốc.

- Cá chạch dài cỡ trên 10cm: cá thích nhất là ăn thực vật.

* Ngoài thức ăn tự nhiên, muốn chạch lớn nhanh, đầy đủ dưỡng chất bà con cần bổ sung thức ăn chế biến cho chúng như khô đậu, cám gạo, nhộng tằm, thức ăn công nghiệp, cá tạp, ốc xay.

- Cho ăn khoảng 5-8% bẳng trọng lượng cơ thể cá và khoảng 4-5 lần trong ngày.

- Cách nhau 15 ngày phải bổ sung vitamin C vào thức ăn cho cá để tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng cho cá.

4. Quản lý môi trường nuôi cá chạch lấu

Bà con cần theo dõi ao nuôi hàng ngày và đánh giá chất lượng nước, đảm bảo môi trường nuôi lý tưởng nhất cho cá sinh trưởng và phát triển. Màu nước đẹp nhất để nuôi cá chạch cần có màu xanh nõn chuối với các chỉ tiêu như sau: pH từ 7,5 -8,5; độ trong từ 30 -40cm; DO >5mg/l.

Kiểm tra ao vào buổi sáng trong lúc cho cá ăn. Nếu phát hiện các hiện tượng bất thường của cá và môi trường nuôi cần phải tiến hành xử lý ngay, tránh gây hậu quả nghiêm trọng. Định kì thay nước ao nuôi để đảm bảo nguồn nước sạch nhất. Mỗi lần chỉ thay tối đa 1/3 lượng nước trong ao. Trong trường hợp nước ao có màu bất thường có thể tiến hành thay khẩn cấp nhưng không quá ½ lượng nước ao.

5. Cách phòng và điều trị bệnh

Mặc dù Cá chạch là loài ít bị bệnh nhưng chúng vẫn có khả năng mắc một số bệnh do môi trường nuôi ô nhiễm như: nấm, kí sinh trùng, bệnh đường ruột. Cách phòng bệnh đơn giản nhất là chủ động bổ sung vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn cho chạch, định kỳ cho ăn 2 lần/tháng, mỗi lần 3 – 5 ngày liên tục. Ngoài ra phải thay nước liên tục cho cá, tùy vào số lượng cá nuôi nhiều hay ít mà thay nước theo định kỳ ngắn hay dài.

Khi cá bị trị bệnh thì xử lý như sau:


Chạch bị nấm: cho chạch tắm bằng các loại hóa chất như : Nước muối 3% hoặc KMnO4 liều lượng 20 gr/1m3 nước, thời gian 10 – 15 phút. Sử dụng kháng sinh Doxycyline 0,2 – 0,3 gr/1kg thức ăn; Oxytetracyline 2 – 4 gr/kg thức ăn, cho ăn 5 – 7 ngày liên tục.

6. Thu hoạch cá chạch

Thời gian thu hoạch cá sau khi nuôi từ 9 -12 tháng sẽ đạt kích cỡ 100 – 150 con/kg. Bà con nên quan sát sự tăng trưởng của cá có đều nhau không, nếu như có sự chênh lệch thì việc thu tỉa hết sức đáng làm.


Thu hoạch cá chạch lấu thương phẩm.

  Dùng lưới có mắt lưới để thu hoạch cá chạch to, lọc lại con nhỏ. Hoặc tháo cạn nước để thu bắt cá. Trước khi đánh bắt 1 ngày để ăn thì không cho cá chạch ăn, không dùng kháng sinh trước khi xuất bán 15 ngày.

Khi đánh bắt, tránh để chạch bị xây xát vì làn da trơn của chúng rất dễ bị tổn thương. Cá mất nhớt, bị xây xát giá trị thương phẩm sẽ giảm xuống.

Nuôi cá chạch không tốn nhiều chi phí nên bà con hoàn toàn có thể mở rộng mô hình nuôi cá chạch nhất là cá chạch lấu, chạch đồng ngọt thịt. Hiện nay, thị trường đầu ra của cá chạch lấu thương phẩm đang rất thuận lợi, giá bán khoảng 400.000 đồng/kg cá chạch lấu thương phẩm. Nếu thực hiện nuôi đúng quy trình, mỗi năm người nuôi có thể xuất bán 2 lứa chạch thương phẩm và 3-4 lứa chạch lấu giống, thu lời khoảng 300 triệu đồng. 

(Tài liệu này chỉ mang tính chất giới thiệu, khi triển khai thực tế, các tổ chức, cá nhân nên tham khảo thêm ý kiến chuyên gia và tài liệu khác).

                                                                                                                              Phòng thông tin KH&CN