Kỹ thuật nuôi dúi đạt kết quả cao - 10:47 05/08/2021

Chia sẻ facebook

Hiện nay, nuôi dúi thịt đang là một hướng đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Dúi được xếp vào loại đặc sản nhờ thịt ngon, mát và giàu đạm.  Dúi rất dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp (chuồng trại, con giống, thức ăn), ít nhân công, vòng xoay vốn nhanh, ít rủi ro. Dúi đẻ rất dày, một năm 4 lứa, mỗi lứa 3 – 6 con.

Dúi trong tự nhiên đang khan hiếm dần do săn bắt nên hiện nay dúi không đủ cung cấp cho thị trường. Trước nhu cầu của thị trường, con dúi đang được bà con nông dân trên cả nước nói chung và các khu vực thuộc tỉnh Thanh Hóa nói riêng đưa vào nuôi, tuy nhiên mô hình chăn nuôi dúi xuất hiện chưa nhiều mặc dù những mô hình nuôi dúi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để nâng cao năng suất thu  hoạch, sau đây xin giới thiệu với bà con kỹ thuật nuôi dúi thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao:

1.      Chọn giống

- Nên chọn những con giống có kích thước tương đồng thuận tiện cho việc chăm sóc. Với những người nuôi dúi lần đầu tiên thì nên chọn mua dúi nhỏ về nuôi. Bởi dúi nhỏ dễ thích nghi với điều kiện thời tiết, thuận tiện cho bà con trong việc chăm sóc. Ngoài ra, còn giảm thiểu được rủi ro (vì dúi to khó thích nghi, đặc biệt là dúi rừng, giá thành lại đắt).

- Lựa chọn địa chỉ uy tín mua giống, cần có giấy chứng nhận kiểm lâm đầy đủ.

- Con giống phải khỏe mạnh, lông mượt, không bị dị tật, ăn khỏe, ăn nhiều, lanh lợi, chạy nhảy khỏe trong chuồng nhốt.


     - Ngoài ra, để chọn đực - cái, bà con quan sát bộ phận sinh dục: Nếu là dúi cái: sẽ có 2 hàng vú ở 2 bên sườn giống của của lợn; Nếu là dúi đực: sẽ có 2 tinh hoàn tương tự như tinh hoàn của chó, không có vú (dúi đực phải có kích thước tương đương hoặc to hơn dúi cái).

       2.Thiết kế chuồng nuôi

2.1  Yêu cầu chung về chuồng nuôi dúi

       - Chuồng nuôi dúi phải kiên cố và vững chắc, hạn chế ánh sáng chiếu trong ngày vì chúng không thích ánh sáng và thường hoạt động nhiều về đêm. Bà con có thể làm chuồng nuôi kiểu nửa sáng nửa tối.

- Chuồng phải sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát, không bị mưa tạt.

- Thiết kế chuồng nuôi dúi cần chọn vị trí yên tĩnh, không bị các loài động vật khác (chó, mèo, chuột, rắn…) gây hại.

- Nền chuồng láng xi măng thuận tiện cho việc vệ sinh. Nền có độ dốc 1 - 2%, dày từ 8 - 10cm để chúng không đào hang.

- Mái chuồng lợp bằng lá sẽ mát hơn cho đàn dúi.

     - Xung quanh chuồng nuôi nên quây lưới thép B40 để bảo vệ dúi, đề phòng trộm cắp.

2.2 Làm chuồng dúi

- Dúi thích ánh sáng tán xạ, cho nên chuồng nuôi nên làm nửa sáng, nửa tối, không cần ánh sáng trực tiếp, tránh mưa tạt, gió lùa và nắng nóng, đảm bảo khô ráo, sạch sẽ và thoáng mát. Xây chuồng nuôi thành từng ô có nắp đậy, diện tích mỗi ô (ngang x dài x cao): 1 x 2 x 7 (m) đảm bảo nuôi được từ 15 - 20 con

- Nền và sân chuồng nên tráng bằng bê tông dốc 1 – 2%, dày 8 – 10cm để dúi không đào hang chui ra ngoài và thoát nước xung quanh rào bằng lưới ô vuông hoặc lưới B40, cao 1,0 – 1,5 m, phía trước có cửa ra vào thuận lợi. Hệ thống cống rãnh thoát nước thiết kế ở phía sau, ngoài chuồng.

- Xung quanh chuồng nên xây bờ bao, phòng khi con dúi xổng chuồng không thể thoát ra ngoài được, chiều cao bờ bao khoảng 50cm. Phải có mái che để dúi tránh bị nắng trực tiếp và nước mưa dính vào người. Mùa đông có thể dùng miếng vải hoặc rèm che chuồng để giữ ấm cho dúi

- Trong tự nhiên, dúi hay ở hang nên ta cũng có thể làm hang nhân tạo cho dúi (bằng tôn uốn cong hoặc bằng ống cống đường kính 30 – 40 cm) và để ở ngoài sân chơi để tiện vệ sinh.


Chuồng nuôi dúi dạng tủ thuốc bắc.

- Ngoài ra bà con cũng có thể tham khảo làm chuồng kiểu giống tủ thuốc bắc. Có thể sử dụng gỗ hoặc viên gạch vuông để xây. Kiểu chuồng này thích hợp với không gian diện tích nhỏ hẹp. Ưu điểm của kiểu chuồng tủ thuốc bắc là dễ dọn dẹp vệ sinh. Tuy nhiên nhược điểm là đòi hỏi kỹ thuật làm chuồng tỉ mỉ, khá tốn thời gian. 

* Lưu ý: Dúi chịu rét tốt hơn chịu nóng vì vậy chuồng trại cần thoáng mát về mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Dúi là loài gậm nhấm nó đào hang rất giỏi vì vậy chuồng bà con nuôi cần chắc chắn để Dúi không đào hang và thoát ra ngoài.

3. Thức ăn

Thức ăn của dúi phong phú và đa dạng, bao gồm tất cả các loại rau, củ, quả, rễ cây, mầm cây, thức ăn tinh hỗn hợp, thức ăn bổ sung khoáng, sinh tố, thức ăn động vật gồm: côn trùng, ốc, giun đất…

Về khẩu phần thức ăn trung bình cho 1 con/ngày như sau:

Dúi 2 - 3 tháng tuổi: 50 - 100 g rau, củ quả; 5 - 10 g thức ăn hỗn hợp và 5 - 10 g lúa, ngô, đậu các loại.

Dúi 3 - 6 tháng tuổi: 100 - 250 g rau, củ, quả; 10 - 15 g thức ăn tổng hợp; 5 - 15 g thức ăn hạt thóc, đậu và 3 - 10 g khô dầu lạc, khô dầu dừa.

Dúi 6 - 9 tháng tuổi: 250 - 350 g rau, củ, quả; 15 - 30 g thức ăn tổng hợp; 15 - 30 g thức ăn hạt các loại và 10 - 20 g khô dầu lạc, khô dầu dừa.

- Có thể thay dầu dừa, dầu phộng bằng giun đất, côn trùng (kiến, mối, sâu, bọ…), thức ăn tinh hỗn hợp có thể dùng thức ăn viên dùng cho gà con, vịt con 1 tháng tuổi của các hãng chế biến thức ăn.

- Có thể điều chỉnh lượng thức ăn bằng cách quan sát, nếu sau 12 giờ cho ăn thấy dúi ăn hết thì bổ sung thêm, ngược lại nếu thức ăn còn thừa nhiều thì giảm bớt những lần cho ăn sau. Khi cho ăn đủ thức ăn rau, củ, quả tươi thì dúi không cần uống nước hoặc uống ít nước. Thức ăn còn thừa sau 12 giờ, bị úa vàng, chua, mốc phải bỏ đi, đảm bảo cho dúi thức ăn tươi, xanh, sạch đề phòng bệnh tiêu chảy, dúi sẽ khỏe mạnh ít dịch bệnh.

Dúi thường chịu rét tốt hơn chịu nóng, nếu nóng trên 350C, cần có quạt thông gió cho thoáng mát.


Thức ăn cho dúi.

4. Chăm sóc và nuôi dưỡng

Dúi sinh sản 

Một con dúi đực khỏe mạnh có thể phối giống cho 4 con dúi cái trong chu kỳ sinh sản. 

Khi nuôi dúi sinh sản, bà con nên nhốt riêng dúi đực và dúi cái, đồng thời xây chuồng phối rộng để thả dúi đực vào đó để tiến hành phối giống với dúi cái sau này. 

* Quan sát thời kỳ động dục

Dúi cái được chăm sóc tốt có thể bắt đầu động dục lúc 6 tháng tuổi.

    -Biểu hiện động dục của dúi cái thường không quá rõ ràng. Nếu thấy chúng ăn ít đi, bộ phận sinh dục có màu hồng đỏ, đi lại trong chuồng tìm con đực thì đem nhốt sang bên chuồng phối. Ngoài ra, dúi cái thường sẽ phát ra tín hiệu đặc trưng để tìm con đực. 

- Đối với bà con mới bắt đầu chăn nuôi dúi, khi bắt dúi cái nhốt chung thì biểu hiện động dục rõ ràng nhất là dúi cái tiến lên trước và nùi đít vào mặt con đực để được giao phối.

* Ghép đôi 

-Nên thả từ từ dúi cái vào chuồng, ở góc phía xa để tránh cắn nhau. Trường hợp xảy ra cắn nhau thì phải chuyển sang con đực khác.

            * Kỹ thuật phối giống

Để 2 con giống phối ghép tự nhiên. Chúng có thể giao phối với cường độ liên tục từ 1,5 - 2 phút/ lần. Sau khi giao phối xong nếu cả 2 con đều cúi xuống làm sạch bộ phận sinh dục thì quá trình phối giống đã thành công. Và ngược lại. 

Đến ngày thứ 2 - 3 sau khi phối giống thành công, bà con tiến hành tách dúi cái, đưa chúng lên ổ đẻ chăm sóc. Đồng thời, cho dúi đực nghỉ ngơi khoản 10 ngày sau đó tiếp tục cho phối với con cái khác. 

* Biểu hiện dúi chửa: Sau khi giao phối đến ngày thứ 2 - 3 khi chưa tách, nếu thấy dúi đực tiến lại gần con cái đòi giao phối mà con cái đẩy ra xa hoặc quay lại cắn thì chứng tỏ chúng đã được giao phối, chuẩn bị chửa. 

Dúi chửa trung bình 45 ngày thì đẻ. Đây là một loại khá mắn, đẻ tốt. 

* Trường hợp không thấy biểu hiện động dục ở dúi cái

Đối với những người mới bắt đầu chăn nuôi, thường khó nhận biết thời kỳ động dục vì biểu hiện không rõ ràng. Nếu gặp phải trường hợp này thì đến tháng đến tuổi cứ bắt lần lượt từng con nhốt chung với con đực. Nếu không xảy ra giao phối thì bắt trở lại. 

* Chăm sóc khi mang thai và sinh sản

-Thời gian này bà con phải đảm bảo không gian yên tĩnh, cung cấp đầy đủ thức ăn và dinh dưỡng. Đặc biệt, tăng khẩu phần măng, tre, mía, các loại ngô, khoai, sắn cho dúi. 

- Dùng giấy, lá khô hoặc lá chuối để lót ổ chuẩn bị cho dúi đẻ.

- Chúng đẻ tự nhiên, thường không cần đến sự hỗ trợ của con người. Do đó khi chúng đẻ, người nuôi không nên xem, sờ hoặc bắt dúi con. Lúc dọn chuồng phải dọn thật nhẹ nhàng, khéo léo. 

* Dúi con từ khi sinh đến 45 ngày tuổi

- Dúi con sinh ra thường không có lông, sau 10 ngày thì bắt đầu mọc lông. Chúng cũng mở mắt chậm nhưng đã biết ăn ngay từ khi chưa mở mắt.  

- Sau khoảng 10 ngày thì bà con có thể tiếp cận chúng để thuận tiện cho việc chăm sóc.

- Đến khi được khoảng 20 ngày tuổi, bà con nên bắt đầu cho dúi tập ăn măng, mía. Sau 45 ngày thì tách mẹ để nuôi thương phẩm hoặc tiếp tục nuôi lấy giống. nếu như không tách thì dúi mẹ sẽ cứ tiếp tục nuôi con, không có biểu hiện động dục. 

Nuôi vỗ béo thương phẩm

- Nuôi vỗ béo từ sau 45 ngày bà con cần bổ sung đầy đủ thức ăn, nhất là khi mới tách chuồng.

- Ngoài ra khi cung cấp đầy đủ thức ăn, những con dúi sẽ không cắn chết nhau. 

- Các loại thức ăn cứng cần được bổ sung ngay khi hết nếu không răng dúi dài ra và thiếu nước chết. 


Dúi thương phẩm.

5. Phòng và biện pháp điều trị một số bệnh thường gặp ở dúi 

Dúi có sức đề kháng tốt nên ít bị bệnh. Tuy nhiên trong quá trình nuôi, bà con phải chú ý một số biện pháp phòng bệnh sau:

- Dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, dọn nước tiểu để tránh bệnh ghẻ lở. 

- Chuồng nuôi phải đảm bảo thoáng mát, không quá nóng mà cũng không quá lạnh, ẩm ướt.

- Nguồn thức ăn phải có xuất xứ rõ ràng, không chứa chất độc hại. Thức ăn tươi mới, được bảo quản tốt nhất.

Một số bệnh thường gặp và cách điều trị

*Bệnh tiêu chảy: Nguyên nhân có thể do dúi ăn phải thức ăn ôi thiu, ẩm mốc còn dư lại trong chuồng nuôi làm rối loạn hệ tiêu hóa. 

- Ngoài việc dọn hết thức ăn thừa, bà con có thể pha thuốc Sulfatrim, Ganidan vào nước cho chúng uống hoặc bơm trực tiếp vào miệng chúng.

*Bệnh về mắt: Nguyên nhân chính do đàn dúi tranh giành thức ăn, cắn nhau gây sây sát hoặc làm thức ăn rơi vào mắt khiến cho mắt bị viêm kết mạc, giác mạc. 

- Biện pháp: Bà con dùng thuốc nhỏ mắt  Chloramphenicol 1% để nhỏ cho dúi bị bệnh, trung bình 2 lần/ ngày cho đến khi khỏi hẳn. 

*Bệnh ký sinh ngoài da: Nguyên nhân do chuồng trại không sạch sẽ khiến nhiều côn trùng, bọ, muỗi, ruồi, ve… xuất hiện. Chúng sẽ bám và hút máu khiến da của dúi bị ghẻ lở gây nên những bệnh truyền nhiễm khác. 

- Biện pháp: Dọn dẹp vệ sinh, sát chuồng chuồng trại, sử dụng đèn bắt côn trùng... Ngoài ra phải thường xuyên kiểm tra nếu phát hiện ve, bọ chét bám thì dùng thuốc diệt như: Ivermectin loại chích hay cho uống, liều lượng sử dụng tương đương gia súc.

6. Thu hoạch

Trước khi bán thịt 30 – 40 ngày, vỗ béo cho dúi bằng cơm, tấm gạo, ngô xay 60 – 70% trộn với thức ăn đậm đặc hoặc thức ăn tinh hỗn hợp loại dùng cho gà con, vịt con 1 tháng tuổi 30 – 40%. Dúi tăng trọng rất nhanh và béo khỏe, có thể đạt 0,5 – 0,7 kg/tháng, bán được giá, cho hiệu quả kinh tế cao.

Được mệnh danh là ông vua nuôi dúi, anh Lê Văn Lâm ở thôn 2, xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn chia sẻ dúi là con vật dễ nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, một cặp dúi giống khỏe mạnh có giá khoảng 1 -1,6 triệu đồng/cặp và 500 - 700 nghìn đồng/kg dúi thương phẩm…Hằng năm, các trang trại của anh xuất chuồng khoảng 2.000 con dúi giống; 1,5 tấn dúi thương phẩm, trừ chi phí, anh thu về khoảng 1,5 tỷ đồng. Không chỉ đem lại thu nhập cao, các trang trại của Lâm còn tạo công ăn việc làm cho 17 lao động thường xuyên với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/người/tháng và hơn chục lao động thời vụ.

                                                                                                                                                   Hải Yến