Vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở huyện Nga Sơn - 15:37 22/03/2019

Chia sẻ facebook

Hơn 7 năm thực hiện Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 5-1-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM)”, việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Nga Sơn nói riêng đã khẳng định rõ vai trò quan trọng của KH&CN trong xây dựng NTM, góp phần tích cực làm đổi thay diện mạo nông thôn.


Mô hình trồng dưa hấu sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tại xã Nga Trường.

Một trong những mục tiêu trọng tâm quá trình xây dựng NTM là phát triển sản xuất, trong đó quan tâm phát triển kinh tế hộ gia đình để nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo; đẩy mạnh phát triển dịch vụ - thương mại... đồng thời, gắn các hoạt động trên với việc ứng dụng KH&CN. Thống kê cho thấy, từ năm 2012 đến nay, huyện Nga Sơn đã triển khai, ứng dụng không ít tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở các địa phương trong huyện như, sử dụng hệ thống tưới tự động trong trồng trọt, đệm lót sinh học trong chăn nuôi, áp dụng công nghệ biofloc trong nuôi tôm... Anh Mai Hồng Tuyến, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn UBND huyện Nga Sơn, cho biết: Để nâng cao thu nhập cho người dân trong sản xuất nông nghiệp phục vụ xây dựng NTM, huyện đã chú trọng tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển hàng hóa và thu nhập ổn định; ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM. Đặc biệt, huyện chủ động phối hợp với ngành chức năng ứng dụng rộng rãi nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, phân bón, các biện pháp thâm canh vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi. Từ việc áp dụng KH&CN, trên địa bàn huyện đã xây dựng được nhiều vùng liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo bước đột phá mới trong phát triển sản xuất. Đơn cử như tại các xã Nga Thủy, Nga Tân, Nga Tiến hình thành mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ biofloc sử dụng sục khí và men vi sinh để ngăn chặn mầm bệnh vào ao nuôi. Quy mô nuôi áp dụng công nghệ này toàn huyện hiện đã lên tới 10 ha. Ưu điểm của việc áp dụng công nghệ biofloc là có thể tận dụng diện tích mặt nước nhỏ, nâng cao hiệu quả chuyển đổi thức ăn, nâng cao khả năng kiểm soát chất lượng nước, giảm sự nhạy cảm với biến động của ánh sáng (thời tiết) và đặc biệt là cho hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm bảo đảm an toàn. Hay như mô hình trồng rau an toàn, dưa vàng Kim hoàng hậu, hoa các loại... trong nhà lưới tại các xã như Nga Yên, Nga Thành, Nga Trường...

Theo thống kê, huyện Nga Sơn hiện có hơn 25.000m2 nhà lưới, trong đó có khoảng 40% nhà lưới áp dụng công nghệ tưới phun sương và tưới nhỏ giọt. Với chủ trương nâng mức hỗ trợ của huyện từ 50.000 đồng lên 70.000 đồng/m2 nhà lưới cho các hộ có quy mô 1.000m2, trong năm 2019 đã có nhiều hộ gia đình đăng ký xây dựng mới mô hình sản xuất trong nhà lưới với quy mô 32.000m2. Đặc biệt, từ vụ xuân hè năm 2019 tại xã Nga Trường, mô hình trồng dưa hấu cũng đã được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Đây là năm đầu tiên áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây dưa hấu với dự kiến quy mô phát triển khoảng 10ha. Cũng nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trên địa bàn huyện hình thành nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi lợn, gà theo chuỗi khép kín bảo đảm an toàn sinh học; chăn nuôi theo mô hình đệm lót sinh học, sử dụng hầm khí bioga...

Đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn UBND huyện Nga Sơn cho thấy, việc ứng dụng KH&CN đã góp phần tăng trên 30% giá trị trong sản xuất cây trồng, vật nuôi; 100% diện tích trồng trọt được cơ giới hóa trong khâu làm đất và trên 65% cơ giới hóa trong khâu thu hoạch... Đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, góp phần phục vụ đắc lực mục tiêu xây dựng NTM của huyện. Tính đến hết năm 2018, bình quân toàn huyện đạt 18,35 tiêu chí/xã, số xã đạt chuẩn NTM là 20 xã. 6 xã còn lại có 1 xã đạt 17 tiêu chí (Nga Vịnh) và 5 xã đạt 16 tiêu chí (Nga Thanh, Nga Bạch, Nga Tiến, Nga Tân và Nga Thủy). Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN bám sát mục tiêu chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện vẫn gặp không ít khó khăn. Do kinh phí hạn chế nên các mô hình được thực hiện với diện tích, quy mô chưa đủ lớn để tạo ra những đột phá về sản lượng, thu nhập cho người dân; tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất còn thấp; một số địa phương và người dân chưa chủ động, sẵn sàng trong việc tiếp thu các mô hình ứng dụng khoa học đã thành công để nhân rộng sản xuất, phát triển kinh tế...

Để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KH&CN phục vụ xây dựng NTM huyện Nga Sơn đã và đang đề ra nhiều kế hoạch, chương trình tiếp tục tạo bước đột phá mới về nghiên cứu, chuyển giao trong sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, trong đó chú trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; huy động các nguồn lực xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa cũng như thu nhập cho người dân.

                                                                                                                                                      Nguồn: Báo Thanh Hóa