Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Hội nghị kinh tế trẻ Châu Á - 15:19 28/08/2019

Chia sẻ facebook

Từ ngày 12 đến ngày 15/8/2019, gần 500 học giả đến từ khắp nơi trên thế giới tham dự Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á 2019 (YSI Asia Convening 2019). Hội nghị do Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Tổ chức Học giả trẻ Quốc tế (Young Scholars Initiative - YSI) thuộc Viện Nghiên cứu tư duy kinh tế mới (INET) của Mỹ tổ chức. Đây là lần thứ 5 Hội nghị được tổ chức (các hội nghị trước đây diễn ra tại Trento (châu Âu), Buenos Aires (châu Mỹ Latinh), Harare (châu Phi) và Los Angeles (Bắc Mỹ).          



Hội nghị Kinh tế trẻ Châu Á diễn ra với mong muốn kết nối các học giả trẻ từ khắp nơi trên thế giới cũng như mang lại những trải nghiệm đáng nhớ cho các nhà kinh tế tham dự.

Tham dự sự kiện, gần 500 học giả trẻ được lựa chọn sẽ có cơ hội trình bày nghiên cứu của mình trong 17 nhóm lĩnh vực như: Kinh tế học mạng lưới; Kinh tế hợp tác xã; Phát triển kinh tế; Lịch sử kinh tế; Tài chính, luật và kinh tế; Ổn định tài chính; Giới và kinh tế học; Bất bình đẳng; Kinh tế học về đổi mới sáng tạo; Kinh tế học Keynes; Nhà nước và thị trường; Phát triển bền vững; Kinh tế đô thị và khu vực; Lịch sử tư tưởng kinh tế... Các học giả trẻ sẽ có hội nhận được đóng góp và bình luận về bài nghiên cứu của mình từ gần 30 chuyên gia kinh tế cao cấp đến từ nhiều trường đại học, trong đó có: Đại học Newcastle, Đại học Kỹ thuật Sydney (Úc); Đại học Oxford (Anh); Đại học Jawaharlal Nehru, Trường Chính phủ và Chính sách công Jindal, Viện Kỹ thuật Delhi (Ấn Độ); Đại học Kỹ thuật Singapore, Đại học Quản lý Singapore, Đại học Khoa học Xã hội Singapore; Đại học Hongkong; Đại học Tokyo (Nhật Bản); Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc); Đại học New School (Hoa Kỳ); Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (Việt Nam)..

Hội nghị sẽ có 5 bài phát biểu chính, 9 cuộc thảo luận bàn tròn và 50 phiên thảo luận song song. 9 cuộc thảo luận bàn tròn tập trung vào các chủ đề: 1.Tái thiết lập các công cụ nghiên cứu mạng lưới xã hội để giải quyết các vấn đề bất bình đẳng; 2. Nhà nước và thị trường trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy đang gia tăng ở châu Á; 3. Nền tảng cho hợp tác; 4.Năng lượng tái tạo: nhu cầu năng lượng của khu vực Nam bán cầu; 5.“Kinh tế học” có trở thành thứ yếu trong định nghĩa về kinh tế phát triển không: bài học từ quá khứ; 6.Những cơ hội và thách thức trong nghiên cứu đô thị liên ngành; 7.Chủ nghĩa Tây Trung và sự thiếu hụt tính đa nguyên trong kinh tế học như một ngành học không?;8.Tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu: hàm ý cho các nền kinh tế đang phát triển; 9.Việt Nam và nền kinh tế số.


                                                      Phòng Thông tin KHCN  (Nguồn: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam)