Đưa liên kết bốn nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông ngày càng thực chất và bền chặt - 11:31 11/03/2021

Chia sẻ facebook

Để khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự lan tỏa rộng rãi và sâu sắc vào các hoạt động của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, cách thức tiếp cận cần đặt trọng tâm vào vai trò chủ thể của người nông dân.


Tri thức hóa người nông dân là yêu cầu quan trọng và cấp thiết, chính là đưa tri thức đến với hàng chục triệu hộ nông dân, đừng để người nông dân bị bỏ lại phía sau, bị cô lập trong “ốc đảo” trên con đường phát triển. Muốn có một nền nông nghiệp thông minh cần phải có đội ngũ nông dân thông minh. Người nông dân không thụ động tiếp nhận, không chỉ được hướng dẫn cách ứng dụng KH&CN, mà chính bản thân họ có thể tham gia, cung cấp kinh nghiệm bản địa, kiến thức thực tế cho doanh nghiệp và những người hiểu biết KH&CN về những cách thức sản xuất hợp lý hơn, tiết kiệm, ít tốn đầu vào, mang lại sản phẩm chất lượng tốt, sạch, an toàn và đáng tin cậy hơn cho người tiêu dùng. Khi đấy, ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn là quá trình vừa triển khai, vừa tiếp nhận phản hồi và điều chỉnh liên tục để không ngừng hoàn thiện.

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, toàn ngành tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm “Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có”.

Trong điều kiện khó khăn, để đạt được mục tiêu trên, Bộ KH&CN cùng Bộ NN&PTNT cần quan tâm thực hiện các phần việc sau:

1. Nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KH&CN, giải quyết các khâu then chốt phát triển nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu, sản xuất giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Cải tiến công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Tìm hiểu nhu cầu, phát triển thị trường KH&CN trong nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phối hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2030 phục vụ phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

2.Tổ chức các hội thảo chuyên sâu về chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển nông nghiệp tuần hoàn, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong nông nghiệp, tạo thêm cơ hội việc làm ở khu vực nông thôn, thu hút trí thức trẻ về nông thôn, tham gia hoạt động nông nghiệp. Đánh giá, hoàn thiện và xem xét triển khai nhân rộng mô hình “Làng Thông minh”, nơi mà người nông dân biết sử dụng công nghệ thông tin để kết nối với nhau và kết nối với đô thị để tối ưu hóa cuộc sống và sản xuất, kinh doanh nông sản.

3.Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030; ưu tiên sản xuất giống chất lượng cao. Xây dựng Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ tiên tiến, công nghệ cao phục vụ cơ cấu lại ngành trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030.

4.Tăng cường phối hợp trong công tác đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ ngành nông nghiệp. Phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu Trí tuệ, bảo đảm phù hợp với thực tiễn sản xuất và hài hòa với các quy định của quốc tế. Khuyến khích doanh nghiệp, địa phương đăng ký chỉ dẫn địa lý, bảo hộ sở hữu trí tuệ và khai thác hiệu quả đối với sản phẩm nông nghiệp. Hình thành nhóm nhiệm vụ cấp Bộ trong Chương trình phối hợp phục vụ hỗ trợ, hướng dẫn việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp.

Trên cơ sở đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp giữa hai Bộ giai đoạn 2016 – 2020, xúc tiến việc ký kết Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa hai Bộ cho giai đoạn 2021-2030 để cụ thể hóa các chương trình, dự án nghiên cứu đối với một số sản phẩm chủ lực theo hướng tập trung, theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong sản xuất. Tăng cường liên kết giữa các tổ chức KH&CN với doanh nghiệp, đưa liên kết bốn nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông, ngày càng thực chất và bền chặt.

                                                                                                       Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển