Nghị quyết Đại hội Đảng bộ
tỉnh lần thứ XIX đã xác định, một trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2021-2025
là “Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ
(KH&CN); chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nhanh và bền vững, giai đoạn
2021-2025”. Để nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu trên, ngày 13-8-2021, Tỉnh ủy
Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch 27-KH/TU làm cơ sở để các cấp, các ngành triển
khai thực hiện.
Kế thừa những kết quả đạt được từ Nghị quyết
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX
tiếp tục chỉ rõ: “Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN; chủ động, tích
cực tham gia cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển KT-XH
nhanh và bền vững” và xem đây là 1 trong 3 khâu đột phá của tỉnh trong giai
đoạn 2021-2025. Cùng với sự định hướng, Thanh Hóa cũng ban hành nhiều cơ chế,
chính sách nhằm khuyến khích KH&CN phát triển. Ví như trong nông nghiệp, đã
ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng tỷ
lệ sản phẩm ứng dụng công nghệ cao lên 21%; trong công nghiệp, đã từng bước sử
dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa cao, nhất là trong các lĩnh vực lọc hóa
dầu, xi măng, điện, thép...; trong dịch vụ đã tập trung phát triển các sản phẩm
du lịch, vận tải, thương mại, giáo dục, y tế chất lượng cao... Tuy nhiên, cũng
cần thẳng thắn thừa nhận, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan mà
KH&CN chưa được quan tâm đầu tư cho tương xứng với vị thế và vai trò của
nó. Cụ thể, tiềm lực, cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; thiếu nhân
lực KH&CN có trình độ cao, chuyên sâu, nhất là chuyên gia về công nghệ;
việc triển khai nhân rộng kết quả nhiệm vụ KH&CN vẫn còn hạn chế; chưa có
nhiều nhiệm vụ KH&CN có tính lan tỏa, đột phá; trình độ công nghệ của các
doanh nghiệp phần lớn ở mức trung bình trở xuống, tỷ lệ dây chuyền sản xuất có
công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 15,6%... Xuất phát từ thực
trạng đó, ngày 13-8-2021, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 27-KH/TU về
“Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN; chủ động, tích cực tham gia
cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển KT-XH nhanh và bền
vững” (gọi tắt là KH 27) nhằm cụ thể hóa, sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ
tỉnh lần thứ XIX vào cuộc sống.
Giai đoạn 2021-2025, ngành KH&CN tiếp tục
tập trung trí tuệ, phấn đấu đưa KH&CN và đổi mới sáng tạo thật sự trở thành
động lực thúc đẩy phát triển tỉnh Thanh Hóa giàu đẹp, văn minh và hiện đại.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ
KH&CN vào sản xuất đời sống. Chủ động, tích cực ứng dụng các công nghệ mới
của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ tiên tiến, để tạo đột
phá trong phát triển các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế trọng
điểm của tỉnh. Theo đó, một số nội dung chủ yếu sẽ được tập trung, bao gồm: đẩy
mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN ở các ngành, lĩnh vực có
tiềm năng, lợi thế như: nông, lâm, thủy sản; công nghiệp - xây dựng; thương
mại, dịch vụ; văn hóa, thể thao, du lịch; giáo dục đào tạo; y tế; tài nguyên
môi trường; hoạt động của chính quyền các cấp. Nâng cao năng lực nghiên cứu,
ứng dụng, chuyển giao KH&CN nhằm thu hút, phát triển, sử dụng nguồn nhân
lực KH&CN chất lượng cao; phát triển doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp
sản xuất phần mềm, nội dung số; tổ chức KH&CN. Huy động và sử dụng có hiệu
quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo; đổi mới
cơ chế quản lý hoạt động KH&CN, phát triển thị trường KH&CN.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, các giải
pháp chủ yếu được đề ra trong giai đoạn 2021-2025 là, tiếp tục đẩy nhanh việc
kiện toàn các tổ chức KH&CN thông qua việc nâng cấp, sắp xếp lại hợp lý cơ
cấu đội ngũ, nhân lực theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả. Tăng
cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các tổ chức KH&CN, các
phòng thí nghiệm, thử nghiệm theo hướng tập trung, dùng chung, không chồng chéo
chức năng, nhiệm vụ của từng ngành. Xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách
thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao,
chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ thúc đẩy phát triển
các lĩnh vực kinh tế trụ cột của tỉnh. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các
dự án đầu tư có hàm lượng KH&CN cao. Xây dựng cơ chế khuyến khích doanh
nghiệp ứng dụng KH&CN, đổi mới công nghệ - thiết bị; sớm rà soát, xây dựng
chính sách khuyến khích phát triển KH&CN trở thành khâu đột phá trong phát
triển KT-XH của tỉnh giai đoạn 2021-2025, để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Mai Hương - Trung tâm TTUDCG KH&CN