KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC HOA DẠ YẾN THẢO - 14:19 27/04/2016

Chia sẻ facebook

Dạ yến thảo có nguồn gốc từ Châu Mỹ và đã trở nên quen thuộc trong các sân vườn hiện đại ở nước ta trong vài năm trở lại đây. Do có vẻ đẹp lạ, nhiều màu sắc nên cây thường được trồng trong chậu để làm hoa trang trí. Dạ yến thảo còn được gọi với cái tên “nữ hoàng ban công”.

Hoa Dạ yến thảo có nhiều tên gọi khác nhau: Yến thảo hoa, hoa dạ yến thảo, hoa dã yến thảo. Màu sắc đa dạng gồm màu trắng, hồng, đỏ  Dạ yến thảo là cây ưa sáng, nhiệt độ thích hợp để cây phát triển 10oC và phát triển tốt nhất ở 24 - 38 o, cây ưa ẩm và phát triển nhanh ở ẩm độ cao vì thế rất thích hợp với thời tiết ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. Nắm bắt được các lợi thế đó  mà trong những năm gần đây người trồng hoa ở các vùng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã ưu tiên và tập trung trồng loại hoa này rất nhiều. Bởi, Dạ yến thảo là loại hoa dễ trồng, nhanh phát triển, đạt năng suất cao và thu được nhiều lợi nhuận hơn các loại hoa khác.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa Dạ yến thảo gồm các bước sau

1. Thời vụ gieo trồng:

            Dạ yến thảo có thể gieo trồng được quanh năm nhưng thời điểm thích hợp nhất là vào tháng 9 – tháng 10 dương lịch.

2.Chuẩn bị:

- Giá thể: Cây Dạ yến thảo là loại cây ưa ẩm và trồng trên đất giàu dinh dưỡng, thoáng khí. Đất trồng hoa phải là đất có khả năng thoát nước tốt. Do vậy cần chọn loại đất thịt nhẹ pha cát, phối trộn với xơ dừa và bón lót phân hữu cơ sinh học để tạo thành giá thể lý tưởng để trồng cây. Có thể trộn đất như sau: 1 phần đất tơi xốp, 1/2 phần phân chuồng hoai mục, 1 phần than củi đập nhỏ, 1 phần trấu, 1/3 phần đá mài garito hoặc chọn giá thể là hỗn hợp đất phù sa, trùn quế tỉ lệ 1:1.

- Hạt giống: Hoa Dạ yến thảo được trồng hoàn toàn bằng hạt, do đó cần chọn lựa hạt giống thật kĩ để chọn lựa được những hạt to, chắc mẩy, không bị ẩm mốc, giúp nâng cao tỷ lệ nảy mầm và giúp cây con sau này phát triển khỏe mạnh (đối với phương pháp gieo hạt).

- Chậu có lỗ thoát nước.

- Bình tưới dạng phun sương.

- Dụng cụ đào lỗ tra hạt, kéo sắc, chậu hoa Dạ yến thảo khỏe mạnh và tưới đủ nước

(đối với phương pháp giâm cành).

3. Phương pháp nhân giống:

 Trồng Dạ yến thảo bằng phương pháp gieo hạt:

Sau khi đã chuẩn bị được giá thể và hạt giống, ngâm những hạt giống vào nước ấm trong khoảng vài giờ. Sau khi ngâm, hạt giống sẽ chương lên, điều này sẽ có lợi hơn trong quá trình gieo.

Gieo hạt đều lên bề mặt đất. Sau đó phủ lên trên một lớp đất mỏng. Dùng bình tưới nước dạng phun sương phun đều lên bề mặt đất để cung cấp độ ẩm. Hạt giống đã qua xử lý rất mau nảy mầm. Giữ ẩm cho đất gieo hạt, để chậu cây ở nơi thông thoáng và râm mát, chỉ cần khoảng 5 ngày là trên bề mặt đất gieo những mầm xanh đã bắt đầu xuất hiện.

Sau khoảng 2 tuần, những mầm xanh sẽ trưởng thành. Cây cao khoảng 10cm và có khoảng 3 - 4 lá thật. Lúc này cần đặt chúng ở những nơi rộng rãi hơn. Dạ yến thảo là loại cây dạng bụi nên chọn loại chậu lớn một chút. Trồng khoảng vài cây một chậu là đủ để sau này có hẳn một bụi hoa.

 Trồng Dạ yến thảo bằng phương pháp giâm cành:

            Cắt một ngọn Dạ yến thảo (cắt dưới đốt lá) và phải còn lại ít nhất 3 đốt lá trên ngọn. Giữ cho các ngọn vừa cắt luôn tươi bằng cách cắm chúng vào trong chậu nước. Ngắt bỏ hoa và các lá gần vết cắt.

            Đổ đất vào chậu, dùng dụng cụ tra hạt tạo lỗ trên đất trong chậu. Cho từng ngọn Dạ yến thảo vào từng lỗ. Lấy dụng cụ tra hạt gạt đất vào phía ngọn hoa sao cho các lỗ được lấp kín. Tưới nước thật đẫm vào đất và ngọn hoa. Đặt chậu ở vị trí thông thoáng và râm mát. Cần tưới nước thường xuyên cho hoa và đất. Vào ngày mát chỉ cần tưới đẫm vào buổi sáng, vào những ngày nóng cần tưới nước đẫm vào buổi sáng và tưới lại vào buổi tối. Sau 2 – 3 tuần các ngọn hoa bắt đầu ra rễ, lúc này có thể sang chậu cho các ngọn hoa.

4. Chăm sóc

            - Tưới nước: Tưới cây vào buổi sáng, tưới đẫm nước cho tới khi thấy nước chảy ra ở lỗ thoát nước. Những này nắng nóng nên tưới 2 lần/ngày.

            - Tỉa cây: Khoảng một tháng sau khi trồng sang chậu mới. Lúc này bụi hoa đã phát triển khá mạnh. Khi thấy cây mọc quá um tùm và xuất hiện tình trạng có những lá bị héo vàng,

 nên tỉa thưa cho cây, ngắt bỏ bớt lá già, héo. Việc này vừa làm cho cây thông thoáng, đón được nhiều ánh sáng vừa làm kích thích chồi mới đâm ra nhiều hơn.

Khi cây cao khoảng 20cm thì tiến hành ngắt ngọn để cây phân nhánh nhiều hơn. Dạ yến thảo là cây ưa sáng nên đặt chậu cây tại nơi có đủ ánh sáng.

- Bón phân: Trong quá trình cây sinh trưởng, nên bón thêm phân hữu cơ vi sinh, phân NPK có tỉ lệ 30:10:10 pha thật loãng và tưới 1 lần/tuần. Khi hoa nở, ngừng bón thúc và duy trì tưới nước cho cây. Dạ yến thảo khi nở hoa sẽ ra liên tiếp hết đợt này đến đợt khác.

Chú ý: Lúc này không nên tưới phun sương lên toàn bộ cây hoa mà chỉ tưới gốc cây, thường xuyên ngắt các hoa héo, lá vàng để tránh cho cây bị nấm bệnh.

5. Phòng chống bệnh thường gặp:

     - Bệnh nấm mốc trắng: Sau khi bệnh xuất hiện cần kịp thời ngắt bỏ những lá bệnh, thời kỳ đầu mới bệnh phun dung dịch chlorothalonit 75% pha loãng với nồng độ 1 : 600 – 800.

     - Bệnh đốm lá: Cần cố gắng tránh chạm vào những lá bệnh và chú ý phòng tránh gió hại, mặt trời chiếu nắng và lạnh giá, kịp thời ngắt bỏ lá bệnh, chú ý dọn những lá bị rụng và phun dung dịch Amobam 50% pha loãng với tỷ lệ 1 : 1.000.

     - Bọ chét : Phun cho cây dung dịch Omethoate 40% pha loãng với tỷ lệ 1 : 1.000.

- Bệnh úa thân, héo rũ: cắt hết các cành đã bị héo và thiêu hủy, cách ly cây bị nhiễm vi rút ra khỏi các cây khỏe khác và phun các loại kháng sinh thông thường bằng cách pha 2 viên với 1 lít nước hoặc Kasuran 50 WP, Kanamin 47 WP tưới cách nhật mỗi ngày 1 lần cho cây từ gốc đến ngọn.

6. Một số chú ý

- Nên che mát chậu: Khi nhiệt độ cao hơn 350C, nên che mát cho chậu cây vì bộ rễ của cây khá nhạy cảm với nhiệt độ, làm như thế để tránh tình trạng thoát hơi nước quá nhiều.

- Nhặt bỏ những hoa đã tàn, tỉa thưa và loại bỏ những cành dập nát để tạo độ thông thoáng cho cây tiếp tục nở hoa.

- Khi cây quá già có biểu hiện lá nhỏ, cành gầy, sắc hoa không thắm, cần cắt bớt thân ngọn (cắt thân khoảng 15cm tính từ cuống hoa), giữ gìn các phần thân còn lại (thực hiện vào ngày mát) có thể thay đất hoặc thay chậu to hơn (vào mùa xuân), bổ sung dinh dưỡng, tưới nước thường xuyên và vừa phải cây sẽ bật mầm và trong thời gian ngắn lại tiếp tục cho hoa mới trong thời gian trung bình từ 3 – 4 tháng.

Tài liệu này chỉ mang tính chất giới thiệu, khi triển khai thực hiện thực tế, các tổ chức, cá nhân nên tham khảo thêm ý kiến chuyên gia và tài liệu khác) 


Hải Yến