KỸ THUẬT NUÔI TRỒNG NẤM MỘC NHĨ TRÊN MÙN CƯA - 10:36 20/03/2018

Chia sẻ facebook
Mộc nhĩ còn có nhiều tên khác nhau như: loại cánh mỏng (Auricularia auricular), loại cánh dày (Auriculari polytricha)…còn có tên gọi khác là nấm mèo, tai mèo, chúng chính là một loại nấm ăn mọc phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Mộc nhĩ thường phát triển mạnh nhất vào đầu mùa mưa.
Mộc nhĩ không chỉ là một loại thực phẩm góp phần cho các món ăn thêm ngon, mà còn là một loại dược liệu quan trọng đã được sử dụng như một vị thuốc của y học cổ truyền. Có nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe như chống oxy hóa, ngăn ngừa hiện tượng đông máu, giảm cân…

Quy trình kỹ thuật nuôi trồng nấm Mộc nhĩ trên mùn cưa được tiến hành các bước sau đây:

Bước 1: Thời vụ và chuẩn bị nguyên liệu

a. Thời vụ: Đối với thời tiết ở khu vực phía Bắc tốt nhất nuôi trồng vào tháng 2-3 và tháng 9-10. Còn đối với thời tiết ở khu vực phía Nam thì có thể nuôi trồng quanh năm.

bChuẩn bị nguyên liệu:

- Mùn cưa các loại gỗ tạp không có tinh dầu đều làm được, tốt nhất là mùn cưa bồ đề, cao su, mỡ, cây có mủ. Mùn cưa phải khô, sạch không lẫn tạp chất, hóa chất độc. Trước khi sử dụng phải sang bỏ tạp chất, mùn to, mùn đã mốc, lên men.

c. Tạo ẩm, phối trộn nguyên liệu:

- Tạo ẩm trước khi đóng túi 6-7 ngày (ủ 3 ngày, đảo ủ lại 3-4 ngày) bằng nước sạch + 0,3% vôi nguyên liệu để được tạo ẩm đạt 60-65% là được. Nắm mùn cưa vào tay khi bỏ ra còn khuôn là đạt độ ẩm hoặc dùng túi kích thước 19 x 37cm đóng mùn cưa đã tạo ẩm vào với mùn cao su đạt 1,8kg/1 túi, mùn bồ đề 1,5kg/1 túi là đạt độ ẩm yêu cầu.

- Tạo ẩm thành đống to sau 2-3 ngày đóng cũng được.

d. Phối trộn nguyên liệu: 

Sau khi mùn cưa đã tạo ẩm, trộn 100kg mùn với 1kg bột nhẹ + 0,1kg MgSO4 và 2kg thỏi nghiền nhỏ dạng cám. Trộn nguyên liệu với bột nhẹ, kiểm tra độ ẩm đạt 65% rồi ủ đống 5-7 ngày, đảo đều trộn thêm phụ gia (MgSO4 +  thỏi nghiền) rồi đóng bịch.

e.  Đóng túi-hấp khử trùng: 

Mục đích diệt toàn bộ nấm dại và vi khuẩn ký sinh trên mùn cưa.

- Đóng túi: Túi PP chịu nhiệt kích thước túi 19 x 38cm, trọng lượng túi = 1kg mùn cưa khô =1,3-1,4kg mùn cưa ướt. Khi đóng túi xong kích thước túi có đường kính 11cm, cao 18cm. Cổ nhựa nên tận dụng vỏ cứng và có nút bông. 1 tấn mùn cưa = 1000 túi, 1m3 = 300-350 túi.

- Hấp khử trùng:

+ Khử trùng bằng nồi thủ công: (thùng phi bịt kín hấp cách thủy) ở điều kiện nhiệt độ mùn cưa 95-100oC từ 10-12h mới đạt yêu cầu. Mỗi thùng phi hấp được 40 túi.

+ Khử trùng bằng lò sấy thủ công: dùng hơi nước bão hòa, kích thước lò 2m x 1,6 x  2,1m, dưới đáy 1 chảo gang đường kính 1,2m, dung tích lò: 800 túi/lò (1m3 = 400). Nguyên lý họat động của lò: Đun nước sôi và bốc hơi (bằng củi than), dùng hơi nước để khử trùng. Thời gian đun (củi, than) từ 14-16h/1 nồi hấp.

Bước 2: Cấy giống

- Yêu cầu phòng kín gió, vệ sinh tẩy uế sạch sẽ (nước vôi, foocmon, lưu huỳnh xông hơi) chuẩn bị phòng trước 2-3 ngày sau mới cấy giống. Sau mỗi lần cấy giống đều phải tẩy uế, vệ sinh phòng cấy.

- Thao tác cấy: Vệ sinh dụng cụ, quần áo, chân tay bằng cồn trước khi cấy giống.

 Dụng cụ cấy giống:

- Bàn cấy giống (giữ chai cấp 2): dài 1,2, rộng 0,6, cao 0,8m

- Đèn cồn (2 cái), panh một cái, dùi đục lỗ cấp 3: 1-2 con (dùi đục lỗ đầu dài 20cm, đường kính 1.5-1.8cm, chuôi cầm dài 30cm).

- Cấy giống: Mỗi bịch cho một que, que bé cấy 2

Chú ý:

-         Thao tác cấy giống: que sắn hoặc thóc giống cấp 2, mộc nhĩ trước khi cấy vào bịch phải thực hiện trên ngọn đèn cồn. Có như vậy mới giảm được tỷ lệ nhiễm bệnh.

-         Tuổi giống tốt nhất từ 25-40 ngày tuổi (kể từ ngày cấy giống), không nên cấy giống quá non hoặc quá già dẫn đến năng suất kém.

-         Sau khi cấy giống xong, chuyển các bịch đã cấy giống vào nuôi sợi đảm bảo nhiệt độ, ánh sáng và ẩm độ.

Chú ý: Trong điều kiện không có phòng nuôi sợi riêng thì cho luôn ra nhà chăm sóc, nhà chăm sóc cũng phải được vệ sinh tẩy uế mới được sử dụng nhưng mật độ dày lên, che chắn kín xung quanh đảm bảo độ tối vừa phải.

-         Nếu cấy giống bằng thóc (cấp 2) thì xếp các túi mùn cưa sát nhau để sợi ăn từ trên xuống dưới.

-         Nếu cấy giống bằng que sắn thì xếp đứng, xếp nằm, nghiêng.

-         Thời gian nuôi sợi từ 22-28 ngày. Khi sợi n ăn kín, đem túi chuyển ra để giàn hoặc treo để chăm sóc. Đảm bảo ẩm độ, nhiệt độ, ánh sáng.

Bước 3: Chăm sóc và thu hái:

- Treo bịch: mỗi dây treo từ 7-10 bịch, treo đối đầu cái xuôi, cái ngược độ cao từ 1.6-1.8m.

- Rạch bịch: mỗi bịch rạch 12-16 vết, dài 2-4cm, sâu 1-2mm, nếu ẩm độ cao thì rạch dọc, nếu ẩm độ thấp thì rạch chéo.

- Giàn treo: nhà treo bịch có thể làm 2 mái,mái bằng, chủ yếu che nắng và gió. Phòng nuôi chăm sóc phải thông thoáng.

- 1m3 nhà treo được 25 dây (dây nọ cách dây kia 20cm), mỗi dây treo 7-10 bịch.

- Nhà 300-360m2 treo được 8-10 vạn túi.

 a. Điều kiện chăm sóc

- Sau khi treo bịch chăm sóc bình thường, chú ý giữ đủ ẩm, nhiệt độ 25-32oC, ẩm độ 80-85%, ánh sáng tối đọc sách được, 7 ngày đầu tưới bình thường, sau khi quả thể nhú tưới ẩm tăng dần. Khi nấm bắt đầu mọc phải tưới nước liên tục, 4-5 lần mỗi ngày.

- Chú ý luôn giữ ẩm độ để mộc nhĩ không bị khô và nhăn mép.

b.Thu hái mộc nhĩ:

 - Khi cánh mộc nhĩ duỗn thẳng thì tiến hành thu hái, để quá thì sẽ già.

 - Sau mỗi đợt thu hái xong phơi khô và đóng túi, bảo quản.

 Bước 4:  Vệ sinh Phòng bệnh

- Trước khi cấy giống nuôi sợi, khu vực cấy giống đều phải vệ sinh tẩy uế.

- Sau khi cấy giống 3-7 ngày, kiểm tra các bịch nấm, nếu thấy bị nhiễm mốc xanh, vàng, đỏ thì phải loại ngay, bỏ xa nơi sản xuất để tránh lây lan.

- Lấy giống ở nơi tin cậy, có địa chỉ rõ ràng.

- Vệ sinh phòng cấy, dụng cụ cấy trước khi thao tác cấy giống

- Vệ sinh sạch sẽ khu sản xuất sau mỗi đợt sản xuất

- Rắc vôi bột xung quanh nhà nuôi sợi

- Cũng có thể phun khử trùng khu vực trồng nấm bằng dung dịch hỗn hợp EM2 + EM5 tỷ lệ 1/500 (1 phần EM + 500 phần nước).

Mô hình nuôi trồng nấm mộc nhĩ được áp dụng và triển khai hiệu quả ở nhiều địa phương như Đông Sơn, Thiệu Hóa, Sầm Sơn, Thạch Thành, Ngọc Lặc…. Điển hình là mô hình trồng nấm của Anh Nguyễn Tuấn Anh thuộc xã Minh Sơn, Huyện Ngọc Lặc, đầu năm 2015  anh đầu tư xây dựng trại trồng thí điểm 4.000 bịch phôi mộc nhĩ, sau hơn 3 tháng chăm sóc, 1 bịch cho năng suất từ 280 - 300gr, bán cho thương lái giá từ 35.000đ - 42.000đ/kg, với số vốn bỏ ra ban đầu là 50 triệu đồng, trừ chi phí nguyên vật liệu và nhân công anh còn lãi 40 triệu đồng. Đến nay, mô hình của gia đình anh đã được nhân rộng hơn đem lại hiệu quả kinh tế hàng trăm triệu đồng, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho một số thanh niên tại địa phương với mức thu nhập là 5 triệu đồng/người/tháng.

Mô hình trồng nấm mộc nhĩ là hướng làm ăn mới của nhiều hộ gia đình ở nhiều địa phương,  đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất ở nông thôn. Hơn nữa, giải quyết và tạo việc làm cho nhiều thanh niên địa phương, nhằm thu hút họ tham gia vào các hoạt động của cơ sở, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung.
                                                            Đàm Tuyết (Trung tâm TTUDCG KH&CN Thanh Hóa)