Máy lột vỏ sắn tự động - 15:17 05/08/2021

Chia sẻ facebook

Đeo đuổi ý tưởng về một máy lột vỏ củ sắn (khoai mì) tự động, sau 15 năm, tháng 9/ 2020, ông Nguyễn Linh ở thị trấn Chư Ty (huyện biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vô cùng hài lòng khi chế tạo thành công cỗ máy mình hằng ấp ủ.

Ý tưởng phát minh ra chiếc máy lột vỏ sắn tự động đến với ông Linh vào khoảng những năm 2000, khi cả tỉnh Gia Lai của ông có tới hơn 24 nghìn ha đất trồng sắn. Đến mùa thu hoạch, nhìn những người xung quanh mình ngồi lột vỏ sắn bằng tay, mất rất nhiều thời gian và công sức mà kết quả cũng không cao, ông Linh nghĩ mình cần phải làm ra cái máy gọt củ sắn tự động để mọi người đỡ vất vả mà vẫn bóc vỏ được một lượng củ sắn lớn, đồng thời dành được nhiều thời gian cho các công đoạn sản xuất khác. Ông Linh kể: ‘Trước thì bà con chủ yếu dùng dao bào, dao hai lưỡi gót để bóc vỏ khoai mì, ngay cả khi đã quen tay thì mỗi người cũng chỉ gọt được 300kg mỗi ngày”. 


Ông Nguyễn Linh giới thiệu về máy gọt củ sắn.

      Ông Nguyễn Linh đưa ra thiết kế máy bóc củ sắn gồm ít nhất một cơ cấu bóc vỏ với cụm truyền động có khả năng nhận củ sắn có kích cỡ khác nhau. Cụm truyền động này gồm cặp máng nạp củ được bố trí song song, tạo thiết diện hình chữ V để chứa củ sắn cần bóc vỏ. Hai máng này được bố trí ở đầu nạp củ sắn và được liên kết với khung đỡ thông qua các hệ lò xo giúp cho chúng có thể di chuyển đến gần hoặc ra xa khung đỡ nhờ lực ép đàn hồi cua lò xo. Nhờ sự linh động này mà hai máng cặp có thể thu hẹp lại hoặc mở rộng ra tùy theo kích thước của củ sắn. Bộ truyền động được bố trí bên dưới máng nạp củ sao cho phần xích trên nằm giữa cặp máng nạp củ và song song với cặp máng này, trong đó nhông dẫn động ở phía đầu nạp sắn, trên xích có cần đẩy củ.

Để giải quyết bài toán củ sắn có nhiều kích cỡ khác nhau, máy được thiết kế cặp tấm ép củ có dạng như tấm ván lượt bố trí nối tiếp nhau bên trên khoảng giữa hai máng nạp củ và cách nhau một khoảng. Các tấm ép này được treo lên khung đỡ bằng các hệ lò xo để có thể nén vào hay dãn ra nhờ lực ép tạo ra do kích cỡ của củ sắn. Bốn cặp dao gọt vỏ được bố trí dọc theo chiều chuyển động của củ sắn, trong đó mỗi cặp dao gồm có 2 cụm dao đối xứng nhau qua mặt phẳng chứa xích và nhông, mỗi cụm dao có vai trò gọt 1/8 vỏ củ sắn tính theo chiều ngang củ. Nhờ vậy, việc củ sắn được thực hiện một cách dễ dàng đúng yêu cầu. 

Chiếc máy gọt vỏ sắn của ông chỉ nặng khoảng 60kg, chiều cao 60-70cm, chiều rộng 60cm và dài 90 cm, có thể di chuyển đến mọi nơi, mọi địa hình trên các cánh đồng trồng sắn mỗi khi đến mùa thu hoạch và chế biến. Năng suất trung bình của máy đạt 2-2.5 tấn/giờ. Ưu điểm lớn nhất là máy không sử dụng nước nên không gây ô nhiễm môi trường. Chiếc máy hoàn toàn có thể thay thế ba nhân công mỗi ngày cho mỗi tấn sắn nên chủ vựa sẽ không phải lo lắng chuyện tìm người gọt vỏ mỗi mùa vụ. Việc lột vỏ nhanh khiến họ có thể kịp thời đưa sắn tiếp tục vào công đoạn sản xuất tiếp theo như bào mỏng, duôi nhỏ.

Nhờ sáng tạo này, chiếc máy gọt củ sắn của ông Nguyễn Linh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế số 1-0025571 được công bố vào ngày 25/9/2020.

                                                          Phòng Thông tin KH&CN